Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2020
Sáng ngày 21/9, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2020 với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại hơn 700 điểm cầu. Chủ trì điểm cầu Lai Châu, có TTƯT, BSCKII. Nguyễn Thế Phong, Phó Giám đốc Sở Y tế.
Thông tin từ Hội nghị cho biết, tại Việt Nam tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước có gần 70.000 ca mắc sốt xuất huyết, giảm so với cùng kỳ năm 2019. Số ca mắc sốt xuất huyết chủ yếu các ca mắc ở miền Nam chiếm 57%, miền Trung 32%, Tây Nguyên 6%, miền Bắc là 4%. Theo các chuyên gia, trong các tháng cuối năm do điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển; nới lỏng giãn cách xã hội và gia tăng hoạt động giao lưu đi lại, tăng mật độ tập trung đông người nên số mắc luôn có nguy cơ gia tăng nếu không thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống.
Về bệnh bạch hầu, từ đầu năm đến nay, cả nước có 198 ca bệnh bạch hầu, chủ yếu là các ca mắc trong tháng 6-7. Trong đó, khu vực Tây Nguyên là 172 ca, miền Trung 22 ca, miền Nam 4 ca. Riêng miền Bắc từ năm 2015 đến nay không có ca bệnh bạch hầu. Số mắc từ 3 tháng đến 78 tuổi, phân bố rải rác ở các nhóm tuổi, cao nhất ở nhóm 10-14 tuổi. Đáng nói có tới 161 ca bạch hầu không tiêm chủng (chiếm 81,3%), chỉ có 37 ca bệnh có tiêm chủng. Các xã có ổ dịch đa số ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện khó khăn, bất đồng ngôn ngữ, không hợp tác tiêm vắc xin. Bệnh bạch hầu đã có vắc xin phòng bệnh, tiêm phòng vắc xin đúng lịch, đầy đủ là biện pháp quan trọng, đặc hiệu để phòng bệnh bạch hầu.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận định, Việt Nam đã từng bước kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh truyền nhiễm. Công tác phòng chống và kiểm soát dịch COVID-19 được thực hiện hiệu quả.
Dự báo trong cuối năm 2020 và đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, các bệnh dịch lưu hành trong nước có nguy cơ bùng phát thành dịch do thời tiết mùa đông - xuân rất thuận lợi cho mầm bệnh phát triển.
Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định, ngoài nguy cơ và ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, một số bệnh dịch vẫn có nguy cơ gia tăng số mắc và tử vong nếu không có các biện pháp phòng chống hiệu quả như: cúm, nhiễm trùng đường hô hấp, sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, bệnh dại, sốt rét, và các bệnh dịch lây truyền từ động vật sang người, đặc biệt là các bệnh có vắc xin phòng bệnh như bệnh bạch hầu, bệnh ho gà có thể ghi nhận thêm nhiều ca mắc.
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị toàn ngành kiên quyết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, không để “dịch chồng dịch” ở bất kỳ địa phương nào. Bên cạnh đó, các địa phương tuyệt đối không lơ là, chủ quan với dịch bệnh và kiên quyết ngăn chặn nguồn lây một cách có hiệu quả. Đồng thời đề nghị các chuyên gia, cán bộ quản lý tập trung phân tích, đánh giá kỹ tình hình, nguy cơ bùng phát dịch của từng vùng, từng địa phương trong cả nước, làm rõ nguyên nhân tồn tại, vướng mắc.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng lưu ý công tác thông tin truyền thông về phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là truyền thông giáo dục thay đổi hành vi, tập quán của người dân; cần có hình thức tuyên truyền phù hợp để người dân dễ hiểu, dễ thực hiện…; có biện pháp duy trì, nâng cao chất lượng tiêm chủng mở rộng, xóa vùng lõm trong tiêm chủng.
Tại Hội nghị, các chuyên gia đầu ngành hướng dẫn kỹ thuật các tuyến về công tác giám sát, xử lý và phòng, chống bệnh bạch hầu, bệnh sốt xuất huyết; cập nhật phác đồ điều trị bệnh sốt xuất huyết ở người và phác đồ điều trị bệnh bạch hầu. Đồng thời nghe về Quy trình tiêm chủng an toàn và quy định giám sát tai biến sau tiêm chủng…
Mai Hoa
Bạn vui lòng đăng nhập tại đây để gửi bình luận.