A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng và duy trì xã đạt Tiêu chí Quốc gia về y tế còn nhiều khó khăn

Thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia (TCQG) về y tế xã, những năm qua, các cấp chính quyền và ngành Y tế tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở…, từng bước đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân, góp phần giảm gánh nặng cho y tế tuyến trên.

 

Hiện toàn tỉnh có 105 trạm y tế xã, phường, thị trấn và 4 Đơn nguyên điều trị. Hầu hết các trạm y tế có điện thoại, máy vi tính và các trang thiết bị cơ bản như giường bệnh, tủ thuốc, dụng cụ y tế, dụng cụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Nhiều Trạm y tế còn có đầy đủ các phòng chức năng như phòng khám bệnh, kho dược, phòng sơ cứu, cấp cứu, phòng lưu bệnh nhân, phòng khám phụ khoa, phòng đẻ, phòng tiêm, phòng trực... Cùng với đó, các Trạm y tế xã còn được trang bị một số thiết bị hiện đại như máy siêu âm, máy đo đường huyết và một số thiết bị cận lâm sàng khác... Đến nay, toàn tỉnh có 81/108 xã, phường, thị trấn đạt TCQG về Y tế, chiếm 75%; trong đó riêng năm 2018 có 11 xã được UBND tỉnh công nhận đạt TCQG. Trong đó 3 huyện, thành phố dẫn đầu là Tân Uyên, Than Uyên và Thành phố Lai Châu với 100% xã, thị trấn đạt TCQG về y tế.

 

Tuy nhiên, để duy trì bền vững kết quả đã đạt được và nâng cao số lượng, chất lượng trạm Y tế TCQG về y tế xã trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại: Có nơi cấp uỷ, chính quyền địa phương chưa quyết liệt trong việc chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế triển khai các hoạt động để phấn đấu đạt các TCQG về y tế, chủ yếu phó mặc cho ngành Y tế. Công tác chỉ đạo, theo dõi, đánh giá các xã thực hiện các tiêu chí có lúc, có nơi chưa kịp thời. Một số Trưởng Trạm Y tế năng lực tham mưu, quản lý chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cán bộ chuyên trách một số chương trình Y tế tại các xã trình độ chuyên môn, năng lực nghiệp vụ còn hạn chế. Tình trạng thiếu bác sỹ trong toàn ngành cũng gây khó khăn cho việc bố trí bác sỹ làm việc thường xuyên hoặc tăng cường bác sỹ luân phiên về hỗ trợ chuyên môn cho trạm y tế. Do đó, việc mở rộng phạm vi, phát triển các dịch vụ kỹ thuật tại tuyến xã để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thu hút người dân đến khám, chữa bệnh tại địa phương còn nan giải. Nguồn lực đầu tư cho các hoạt động của các Trạm Y tế chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao.

 

 Qua kết quả chấm điểm cho thấy: Một số xã khi công nhận chỉ đạt số điểm ở ngưỡng tối thiểu (như xã Vàng San, Kan Hồ của huyện Mường Tè; Pú Đao, Mường Mô của huyện Nậm Nhùn; Nậm Sỏ của Tân Uyên; Sin Súi Hồ của huyện Phong Thổ; Noong Hẻo, Xà Dề Phìn, Ma Quai, Pa Khóa của huyện Sìn Hồ). Nhiều xã, phường, thị trấn duy trì kết quả đạt TCQG không phấn đấu đạt thêm điểm mà còn bị giảm điểm ở một số tiêu chí so với kết quả khi được công nhận. Một số xã có nguy cơ không duy trì được kết quả xã đạt TCQG về y tế do liệt Tiêu chí IX về Dân số - KHHGĐ bởi tỷ lệ tăng dân số tự nhiên hàng năm cao (trên 13), tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ 3 trở lên còn ở mức cao, nếu không có các giải pháp can thiệp kịp thời nguy cơ liệt tiêu chí rất cao. Bên cạnh đó, việc thực hiện các chỉ tiêu về tỷ lệ hộ gia đình trong xã sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh cũng rất khó khăn. Về chỉ tiêu tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng (cân nặng/tuổi) năm 2018, có nhiều trạm đạt TCQG về y tế cũng chưa đạt điểm...

 

Để duy trì bền vững kết quả đã đạt được và thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng xã đạt TCQG về y tế trong thời gian tới, Ngành Y tế đã và đang triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Tham mưu cho các cấp chính quyền kiện toàn Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe Nhân dân tại các địa phương nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương đối với công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn. Xây dựng kế hoạch lộ trình và kế hoạch cụ thể hàng năm để triển khai thực hiện xây dựng xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế tại các cấp, các ngành tại 100% số xã, phường kể cả các xã chưa đạt tiêu chí để tạo ra phong trào sâu rộng trong toàn tỉnh. Chú trọng công tác truyền thông - giáo dục sức khỏe, không ngừng nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân và thực hiện TCQG về y tế xã đến năm 2020. Đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực cho tuyến xã. Tiếp tục thực hiện hiệu quả chế độ luân phiên về hỗ trợ chuyên môn cho trạm y tế các xã, nhất là trạm y tế các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và biên giới. Tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, tu sửa các trạm y tế. Đẩy mạnh công tác khám, chữa bệnh y học cổ truyền kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong chuẩn đoán và điều trị. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác xây dựng xã đạt Tiêu chí quốc gia trên địa bàn. Định kỳ hàng năm thực hiện tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác xây dựng xã đạt Tiêu chí quốc gia tại địa phương. Đây cũng là tiền đề cho các địa phương thực hiện hiệu quả và duy trì các TCQG về y tế xã  bền vững.

                                               Bài, ảnh: Hồng Thơm

 


Tác giả: Hồng Thơm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 528
Tháng 09 : 9.764