Sử dụng thuốc diệt cỏ tràn lan làm ảnh hưởng tới môi trường và sức khoẻ con người
Trong những năm gần đây, tại nhiều thôn, bản ở tỉnh ta, bà con khi bắt đầu một vụ mùa mới thay vì làm cỏ theo cách truyền thống là dùng dao phát, đốt, rồi cuốc, cày đất, thì nay đa phần bà con đã thực hiện công đoạn duy nhất là phun hóa chất diệt cỏ. Cách làm này tiết kiệm về thời gian, công sức nhưng việc sử dụng thuốc tràn lan, thuốc không rõ nguồn gốc đã gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn đất, nước và ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.
Có dịp đi chợ San Thàng vào thứ 5 và chủ nhật hàng tuần, bạn sẽ thấy ngoài những mặt hàng hoa quả, rau, thịt, cá, … thì người dân còn xuống chợ để mua nhiều mặt hàng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, một trong những mặt hàng được người dân mua nhiều nhất đó là thuốc diệt cỏ. Quan sát tại chợ San Thàng, tôi thấy có đến mấy điểm bày bán thuốc diệt cỏ. Mua bán loại thuốc này vô cùng đơn giản, người mua cần, người bán lập tức đưa ra, cũng chẳng cần phải hỏi han tác dụng hay cách sử dụng bởi có vẻ như mọi người đã quá quen với loại thuốc này rồi. Thường vào vụ làm nương, rẫy mỗi ngày có hàng chục lít thuốc diệt cỏ được các cửa hàng này bán ra.
Cầm chai thuốc vừa mua chị Hảng Thị Pư - bản Cắng Đắng, xã San Thàng cho biết: “Lâu nay, người dân chúng tôi ở đây vẫn chọn cách mua loại thuốc diệt cỏ này về phun vừa nhanh lại không tốn nhiều công sức. Cứ tính theo diện tích mảnh nương nhà tôi nếu trước đây phải mất hàng chục công để phát cỏ, thì giờ chỉ cần 2 người bơm thuốc trừ sâu là việc làm sạch cỏ hoàn thành chỉ trong một buổi sáng. Sau vài ngày phun thuốc cỏ sẽ bị cháy khô, có thể đốt và bắt tay vào trồng vụ mới được”. Tôi hỏi chị dùng như thế có theo chỉ dẫn nào và có biết làm như thế sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như ô nhiễm nguồn đất và nước không? Chị bảo, mình chẳng biết nhiều thế đâu, người bán hàng bảo cứ pha đặc là được, người ta pha khoảng 3 lọ/bình thì mình pha 01 bình/01 lọ thôi, cỏ sẽ chết cả rễ. Và thường chỉ khoảng 20 nghìn đồng là mua được một lọ thuốc diệt cỏ phun cho khoảng một ha.
Còn ở xã Nậm Loỏng, xã nằm ngay cạnh thành phố Lai Châu, tình trạng sử dụng thuốc diệt cỏ cũng diễn ra phổ biến. Hầu hết người dân địa phương đều sử dụng thuốc diệt cỏ để đỡ công lao động. Để làm nương rẫy chuẩn bị cho vụ mới, thì việc sử dụng thuốc diệt cỏ là biện pháp tối ưu mà người nông dân chọn hiện nay.
“Mỗi khi đi qua những cánh đồng đúng thời điểm nông dân phun thuốc diệt cỏ, mùi thuốc xộc thẳng vào mũi rất khó chịu. Đặc biệt, những người chăn thả trâu bò trên đồng cũng rất lo lắng và luôn canh chừng, sợ trâu bò ăn phải cỏ đã phun thuốc”, một người dân cho biết.
Không chỉ ở xã San Thàng, Nậm Loỏng, tình trạng lạm dụng thuốc diệt cỏ ở hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh ta ngày càng gia tăng và phổ biến. Cứ đến mùa phát nương rẫy, làm cỏ cho lúa, hoa màu là bà con phun thuốc diệt cỏ. Tại nhiều thôn, bản, rất nhiều hộ đã sử dụng các loại thuốc diệt cỏ và đều không cần biết về nguồn gốc, xuất xứ, công thức pha chế cũng như cách phun. Thường các chủ cửa hàng cho biết, có nhiều loại, như thuốc diệt cỏ “cháy nhanh” thậm chí là “siêu cháy” cũng có. Đáng lo ngại là khi phun thuốc xong nhiều người vứt ngay những vỏ chai thuốc ở bờ ruộng, dưới mương nước mà không lường trước được sự ô nhiễm của nó với môi trường sống.
Đa phần thuốc diệt cỏ mà bà con sử dụng đều không rõ nguồn gốc xuất xứ và không lường trước được tác hại của nó tới sức khỏe con người, động vật, và gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường đất, nước. Ngoài ra, điều đáng quan tâm là do nhận thức của bà con còn hạn chế nên việc pha chế, phun thuốc không mang đầy đủ trang bị cho đồ bảo hộ, phun không đúng cách làm ảnh hưởng đến sức khoẻ. Nhiều người khi phun thuốc diệt cỏ xong thường đem ra ngay các đầu nguồn khe suối, sông để cọ rửa bình và vô tình tạo ra nguy cơ nhiễm độc nguồn nước ở ngay con suối đó.
Tại một số địa phương sau một thời gian dài thấy sử dụng thuốc diệt cỏ bất lợi cho môi trường, sức khỏe của người dân, chính quyền đã khuyến cáo người dân phải sớm thay đổi thói quen này bằng cách mua máy cắt cỏ cầm tay, vừa tiện sử dụng, làm cỏ nhanh lại không ảnh hưởng tới môi trường. Anh Vũ Văn Mai - xã Bản Giang, Tam Đường cho biết “Trước đây tôi cũng sử dụng thuốc diệt cỏ, nhưng sau hai vụ là thấy cây trồng còi cọc hẳn. Phun thuốc làm cỏ chết, nhưng cũng có thể thuốc diệt cỏ đã ngấm vào đất làm cây màu không phát triển được nên tôi đã ngừng không sử dụng nữa”.
Để góp phần hạn chế tình trạng này, biện pháp cần thiết vẫn là làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân về hậu quả của việc sử dụng tràn lan thuốc diệt cỏ. Cần lồng ghép việc tuyên truyền tại các lớp dạy nghề hay tập huấn hoặc tại các buổi họp thôn, bản diệt cỏ cho nông dân để họ không sử dụng thuốc tràn lan, không mua và sử dụng thuốc diệt cỏ không rõ nguồn gốc, tránh những thiệt hại cho sản xuất, môi trường và đặc biệt là sức khỏe con người. Mặt khác cần có chế tài xử lý nghiêm việc xử dụng thuốc diệt cỏ tràn lan gây ngộ độc cho người và gia súc như hiện nay./.
Ngọc Châm
Chú thích ảnh: Nếu người dân không sử dụng thuốc diệt cỏ đúng quy trình sẽ gây ảnh hưởng tới môi trường và sức khoẻ con người.
Bạn vui lòng đăng nhập tại đây để gửi bình luận.