Nỗ lực phòng, chống bệnh lao
(BLC) - Là bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh chuyên ngành lao và các bệnh phổi, nòng cốt trong phòng chống bệnh lao, dù đối mặt với nhiều khó khăn song Bệnh viện Phổi tỉnh nỗ lực vượt khó, quản lý và điều trị hiệu quả cho bệnh nhân lao.
Nhiều khó khăn
Lao là một trong những căn bệnh nguy hiểm, lây theo đường hô hấp nên có nguy cơ cao về sự lây lan trong cộng đồng. Mặc dù quá trình phát hiện, quản lý và điều trị cho bệnh nhân lao trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, nhưng trong những năm qua, Lai Châu đã nỗ lực trong công tác phòng chống căn bệnh này.
Bác sỹ CKII Phạm Mạnh Hùng - Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh cho biết: Bệnh lao diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng bệnh nhân lao kháng thuốc và bệnh lao đa kháng thuốc. Đại đa số bệnh nhân lao thuộc hộ nghèo và là dân tộc thiểu số; do vậy, việc hỗ trợ của người nhà không được thường xuyên liên tục trong quá trình điều trị, dẫn đến sự không tuân thủ điều trị của người bệnh, việc theo dõi, quản lý, đánh giá kết quả điều trị gặp rất nhiều khó khăn. Không những vậy, do thời gian điều trị kéo dài, nhận thức hạn chế nên một số bệnh nhân bỏ điều trị giữa chừng, điều trị không đúng phác đồ làm cho bệnh ngày càng trầm trọng hoặc dẫn đến lao kháng thuốc thất bại trong điều trị.
Cùng với đó, công tác giám sát bệnh nhân điều trị tại tuyến cơ sở hiệu quả chưa cao do nhân lực mỏng, thiếu cán bộ có trình độ chuyên sâu về chuyên ngành lao, phải kiêm nhiệm nhiều, giao thông đi lại không thuận lợi. Bệnh lao đồng hành với HIV và lao kháng thuốc ngày càng gia tăng. Đặc biệt, vẫn còn tình trạng kỳ thị xã hội, mặc cảm khi mắc bệnh. Công tác tuyên truyền phòng chống lao tại cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức.
Theo chia sẻ của bác sỹ Nguyễn Văn Lương - Phó trưởng Khoa Lao phổi, Bệnh viện Phổi tỉnh, đặc thù điều trị bệnh lao dài ngày (phác đồ ngắn nhất là 6 tháng, dài nhất là 20 tháng) đòi hỏi sự kiên trì của người bệnh. Khi tiếp xúc với bệnh nhân lao, rào cản lớn nhất là tâm lý của bệnh nhân, hay buông xuôi, bất cần. Thêm vào đó, thời gian ở viện lâu, xa nhà dài ngày, để bệnh nhân yên tâm điều trị, bác sỹ phải khéo léo giải thích, động viên giúp bệnh nhân ổn định tâm lý, duy trì phác đồ điều trị hiệu quả.
Tìm hiểu chúng tôi được biết thêm, đa phần bệnh nhân nghèo, nằm viện thời gian dài, lại là trụ cột chính của gia đình nên kinh tế vốn đã khó khăn nay lại càng eo hẹp hơn. Không có điều kiện bồi bổ, sức khỏe bệnh nhân kém, sức đề kháng thấp, hấp thụ thuốc lao chậm, lâu khỏi bệnh. Cũng vì thế mà có bệnh nhân không đủ kiên trì, bỏ điều trị.
Nỗ lực quản lý, điều trị bệnh nhân lao
Làm việc trong môi trường có yếu tố lây nhiễm cao, nhưng điều đó không làm ảnh hưởng tới tinh thần “hết lòng vì người bệnh” của các y, bác sỹ Bệnh viện Phổi. Các “chiến sỹ áo trắng” chủ động nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nêu cao y đức, xây dựng phong cách làm việc thân thiện, hướng tới sự hài lòng của Nhân dân. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân lao được tận tình hướng dẫn, tư vấn, giáo dục sức khỏe, kịp thời giải quyết những băn khoăn, thắc mắc.
Được biết, các bệnh nhân lao được miễn phí điều trị và hỗ trợ chế độ ăn 45 nghìn đồng/ngày. Vì phần lớn bệnh nhân nghèo nên ngoài thăm hỏi, động viên hàng ngày, đối với những bệnh nhân đặc biệt khó khăn, phải chuyển tuyến Trung ương, cán bộ, y, bác sỹ còn chủ động quyên góp ủng hộ giúp bệnh nhân vượt qua khó khăn. Hai năm gần đây, bệnh viện còn rà soát, đề nghị Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao - PASTB hỗ trợ các bệnh nhân trên địa bàn tỉnh. Theo đó, năm 2019 có 2 bệnh nhân được hỗ trợ, năm nay đang tiếp tục đề nghị hỗ trợ cho 10 bệnh nhân (trung bình 3 triệu đồng/bệnh nhân)...
Bác sỹ Bệnh viện Phổi tỉnh kiểm tra sức khỏe bệnh nhân lao kháng thuốc.
Chúng tôi gặp anh Tẩn Diếu Sìn (43 tuổi, bản Chí Sáng, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ) khi anh đang dọn đồ chuẩn bị ra viện. Anh Sìn tâm sự: Tôi nhập viện điều trị bệnh lao từ tháng 3/2019 đến nay. Là hộ nghèo, cuộc sống chủ yếu phụ thuộc vào làm ruộng, nương, là lao động chính mà lại phải xa nhà thời gian dài, tôi sốt ruột lắm. Tôi đã từng có ý định bỏ cuộc về nhà cắt thuốc nam. Nhờ các bác sỹ chân thành khuyên bảo, động viên nên tôi tiếp tục ở lại điều trị. Kiên trì thuốc thang, giờ sức khỏe tôi đã khá hơn, hôm nay được ra viện, tôi mừng lắm. Về nhà, tôi cũng yên tâm vì thuốc lao được gửi về tận Trạm Y tế xã, tôi chỉ cần đến trạm tiêm và lấy thuốc về uống.
Ngoài tích cực chăm sóc điều trị tại bệnh viện, Bệnh viện Phổi tỉnh còn tăng cường chỉ đạo tuyến, thường xuyên kiểm tra, giám sát tại các tuyến để đánh giá hiệu quả công tác phát hiện, điều trị và quản lý bệnh nhân ngoại trú tại cơ sở, kịp thời nhắc nhở, sửa chữa những sai sót trong triển khai công tác phòng chống lao.
Đặc biệt, Bệnh viện triển khai thành công dịch vụ gửi tin nhắn SMS miễn phí, thông báo thời gian uống thuốc, lấy thuốc, phòng chống lao tại cộng đồng cho 100% bệnh nhân lao qua hệ thống phần mềm VITIMES.
Tỷ lệ điều trị khỏi tăng
Với sự tận tâm, trách nhiệm trong điều trị, những năm qua, Bệnh viện Phổi tỉnh giúp nhiều bệnh nhân hồi phục và trở về gia đình. Không ít bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, đe dọa đến tính mạng, nhưng được chẩn đoán, điều trị kịp thời, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.
Điển hình như bệnh nhân Sùng Thị Não (dân tộc Mông ở xã Tả Lèng, huyện Tam Đường) trung tuần tháng 2/2020 nhập viện với chuẩn đoán suy hô hấp cấp, không tự thở được, nhờ các bác sỹ khẩn trương cấp cứu, bệnh nhân thoát khỏi tình trạng nguy kịch. Qua xét nghiệm, bệnh nhân bị lao phổi AFB dương tính. Sau 1 tháng điều trị tích cực, sức khỏe ổn định, kết quả xét nghiệm cho thấy đã âm hóa đờm nên vừa qua chị Não được xuất viện, chuyển về cơ sở tiếp tục điều trị.
Theo đánh giá, năm 2019, số người nghi lao đến khám trên toàn tỉnh là 3.774 người; 112 bệnh nhân lao phổi AFB(+) mới phát hiện; số bệnh nhân lao các thể khác: 72 bệnh nhân; tỷ lệ điều trị khỏi đạt 92%. So với năm 2018, bệnh nhân lao phổi AFB(+) mới giảm 6 bệnh nhân; bệnh nhân lao các thể khác giảm 8 bệnh nhân; tỷ lệ điều trị khỏi tăng 0,02%.
Bác sỹ CKII Phạm Mạnh Hùng - Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh Lai Châu nhấn mạnh: Để phòng chống lao hiệu quả, Bệnh viện Phổi tỉnh xác định tiếp tục củng cố mạng lưới chăm sóc sức khỏe bệnh nhân lao từ tỉnh đến cơ sở hoạt động hiệu quả. Tăng cường đào tạo, tập huấn chuyên môn cho cán bộ ở các tuyến để có trình độ, năng lực thực hiện chương trình phòng chống lao tốt hơn. Với mục tiêu loại trừ bệnh lao vào năm 2030, điều quan trọng nhất là cần thay đổi nhận thức, nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh lao để bà con chủ động hơn trong phát hiện, phòng chống bệnh cho chính mình và cộng đồng. Việc phát hiện sớm, chữa bệnh kịp thời, đúng phác đồ là yếu tố then chốt để đạt hiệu quả cao trong điều trị bệnh lao. Để thực hiện được điều này, công tác tuyên truyền phải được đẩy mạnh hơn nữa và cần sự chung tay góp sức của cộng đồng.