A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tầm quan trọng của việc tiêm nhắc lại các mũi vắc xin cho trẻ

Trong chương trình tiêm chủng vắc xin phòng, chống các bệnh lây nhiễm có nhiều loại vắc xin cần tiêm nhắc lại 2 đến 3 lần với thời gian khác nhau của mỗi loại vắc xin để cơ thể trẻ sinh kháng thể lần sau cao hơn lần trước giúp trẻ phòng, tránh dịch bệnh một cách an toàn, bền vững. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều các bậc phụ huynh thường quên đem con đi tiêm nhắc lại các mũi vắc xin theo quy định của Bộ Y tế.

          BSCKI, Trần Bá Hướng, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Nguyên tắc tiêm vắc xin cho trẻ là chúng ta tạo ra hệ miễn dịch cho cơ thể. Như vậy, quá trình tiêm nhắc lại là quá trình kích thích cơ thể tăng tính miễn dịch để đảm bảo tạo kháng thể giúp trẻ phòng, chống được bệnh mà trẻ được tiêm vắc xin loại bệnh đó. Hiện nay, hầu hết các loại vắc xin đều cần thiết tiêm nhắc lại để đảm bảo tính miễn dịch cho cơ thể, giúp cơ thể đã được tiêm chủng phòng, chống bệnh một cách an toàn và bền vững. Mỗi loại vắc xin đều có cách tiêm nhắc lại khác nhau, ví dụ như: Viêm não Nhật Bản, đầu tiên phải tiêm 3 mũi cơ bản khi trẻ được 11 và 12 tháng tuổi, trẻ được tiêm mũi 1 và mũi 2 cách nhau 2 tuần. Sau 12 tháng, trẻ sẽ được tiêm 1 mũi. Như vậy, phụ huynh đã hoàn thành việc tiêm chủng cơ bản cho trẻ. Tuy nhiên, để đảm bảo tạo ra hệ miễn dịch bền vững cho trẻ, Bộ Y tế khuyến cáo các bậc phụ huynh, cứ 3 - 5 năm chúng ta tiến hành tiêm nhắc vắc xin phòng Viêm não Nhật Bản cho trẻ một lần nữa, cho đến khi trẻ đủ 15 tuổi”.

          Thực tế, có nhiều mũi vắc xin sau một thời gian khá dài mới tới lịch tiêm nhắc lại nên nhiều phụ huynh thường quên, làm trễ mũi tiêm nhắc lại cho trẻ. Chị Lò Thị Hồng, xã San Thàng, thành phố Lai Châu chia sẻ: “Những mũi vắc xin tiêm ngay cho trẻ sau 1, 2 tháng thì tôi còn nhớ để đưa con đi tiêm chứ những mũi có thời gian dài sau vài năm thì tôi thường quên mất lịch tiêm. Do đó, khi nhớ ra phải đưa bé đi tiêm nhắc lại vắc xin thì trễ mất lịch. Điều này khiến tôi băn khoăn, lo lắng không biết bé có ảnh hưởng gì không?”.

          Theo bác sỹ Hướng: Vì tiêm vắc xin là quá trình kích thích cơ thể tạo ra kháng thể miễn dịch, cho nên thời gian tiêm từ mũi đầu đến mũi thứ 2 yêu cầu một khoảng thời gian tối thiểu là rất quan trọng. Nếu chúng ta tiêm sớm quá thì cơ thể trẻ chưa kích thích cơ thể tạo ra miễn dịch nên khi tiêm lại thì giá trị không cao. Tuy nhiên, nếu tiêm chậm thì chỉ ảnh hưởng đến quá trình bảo vệ  của trẻ. Do đó, gần như các vắc xin tiêm nhắc lại nếu tiêm chậm thì không có vấn đề gì lớn, vẫn nên cho trẻ đi tiêm bình thường nếu trễ lịch tiêm. Đối với một số loại vắc xin, nếu chúng ta tiêm quá chậm thì kháng thể miễn dịch giảm đi gần bằng không, vì thế buộc phải tiêm lại từ đầu mũi vắc xin đó, do vậy các bậc phụ huynh hãy lưu ý lịch tiêm của trẻ.

          Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tỷ lệ tiêm chủng ban đầu hiện nay của tỉnh đạt 95%, nhưng tỷ lệ tiêm nhắc lại các mũi vắc xin, nhất là vắc xin tiêm Viêm não Nhật Bản tỷ lệ mũi tiêm 3 rất thấp; vắc xin phòng bệnh Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván mũi tiêm nhắc lại khi trẻ 18 tháng tuổi chỉ đạt 85%. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến tính bền vững phòng bệnh của trẻ. Việc đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch các loại vắc xin phù hợp theo lứa tuổi sẽ tạo cho cơ thể trẻ có sức đề kháng tốt hơn để ngăn ngừa những tác nhân gây bệnh. Để việc phòng bệnh đạt được hiệu quả tối ưu, phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm bổ sung hoặc tiêm nhắc lại các mũi vắc xin có chỉ định tiêm nhắc lại đúng lịch theo khuyến cáo của  chương trình tiêm chủng mở rộng dành cho trẻ em.

          Lịch tiêm nhắc các loại vắc xin được Bộ Y tế khuyến cáo áp dụng như sau:           

- Vắc xin DTC - ngừa bệnh Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván: Trẻ được tiêm nhắc lúc 18 tháng tuổi. Không nên tiêm nhắc lại trước lịch quy định. Nếu trễ lịch tiêm nhắc có thể tiêm muộn hơn nhưng không nên để quá 3 tuổi.

- Vắc xin bại liệt uống: Có thể cho trẻ dưới 5 tuổi uống 2 liều bổ sung cách nhau 1 tháng để nâng cao khả năng bảo vệ của cơ thể.  

- Vắc xin Viêm não Nhật Bản” cần nhắc mũi 3 một năm sau mũi 2. Sau đó 3 - 5 năm nên tiêm nhắc cho tới khi trẻ đủ 15 tuổi.

- Vắc xin phòng ngừa nhiễm khuẩn do Hib: Nên tiêm nhắc lại lúc trẻ  được 18 tháng tuổi.

- Vắc xin Sởi: Cần tiêm nhắc cho trẻ lúc 18 tháng tuổi bằng vắc xin sởi đơn giá hoặc vắc xin phối hợp 3 trong 1 ngừa bệnh Sởi - Quai bị - Rubella (vắc xin MMR).

- Vắc xin cúm: Được tiêm nhắc hằng năm trước mùa dịch. Đặc biệt là cho các đối tượng nguy cơ như trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường, hen suyễn…

- Vắc xin tả uống: Nên dung hằng năm tại các vùng thường xuyên xảy ra dịch cho các đối tượng có nguy cơ phơi nhiễm cao.

- Vắc xin thương hàn: Tiêm nhắc lại sau 2 - 3 năm tại những vùng lưu hành nặng hoặc có dịch, đặc biệt cho đối tượng trẻ em và người cao tuổi.

- Vắc xin phế cầu: Tiêm nhắc lại vào năm thứ 3 sau mũi tiêm thứ nhất; vắc xin não mô cầu: tiêm nhắc lại vào năm thứ 3 sau mũi tiêm thứ nhất./.

 

                                                                                     Nguyễn Thúy


Tác giả: Nguyễn Thúy
Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 407
Tháng 12 : 21.674