QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

 

 

Ngành Y tế Lai Châu đã có nhiều nỗ lực trong việc củng cố, xây dựng tổ chức bộ máy ngày một phát triển. Đến hết năm 2017, Sở Y tế có 24 đơn vị trực thuộc: Tuyến tỉnh 16 đơn vị: Văn phòng Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), Chi cục Dân số - KHHGĐ, Trường Trung cấp y tế; Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Lao và bệnh Phổi, Bệnh viện Y học cổ truyền, Trung tâm Y tế Dự phòng, TTPC HIV/AIDS, TTPC Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng, TTPC Bệnh xã hội, TT Chăm sóc sức khỏe sinh sản, TT Nội tiết, TT Truyền thông giáo dục sức khỏe, TT Pháp Y, TT Kiểm nghiệm thuốc Mỹ phẩm - Thực phẩm; Tuyến huyện 08 đơn vị: 07 Trung tâm Y tế (TTYT) huyện thực hiện hai chức năng, 01 Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố. 08 Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện, thành phố thuộc Chi cục DS - KHHGĐ, 15 Phòng khám Đa khoa khu vực, 108 Trạm Y tế xã, phường, thị trấn thuộc TTYT huyện, thành phố. Hoạt động của hệ thống Ngành Y tế Lai Châu đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh.

Thực hiện Kế hoạch số 122-KH/TU, ngày 22/01/2018 của Tỉnh ủy Lai Châu về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Sở Y tế đã xây dựng các Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy phù hợp và được cấp có thẩm quyền quyết định thành lập: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Lai Châu trên cơ sở sáp nhập 07 đơn vị dự phòng có cùng chức năng và đi vào hoạt động từ ngày 01/01/2019; Trung tâm Y tế huyện Sìn Hồ cơ sở 2; sắp xếp, tổ chức lại các phòng khám ĐKKV, Trạm y tế xã; sáp nhập Trường Trung cấp Y tế vào Trường Cao đẳng cộng đồng tỉnh.

Đến tháng 9 năm 2019, hệ thống Y tế Lai Châu còn 17 đơn vị trực thuộc Sở Y tế: Văn phòng Sở Y tế, Chi cục VSATTP, Chi cục Dân số - KHHGĐ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Y học cổ truyền, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Pháp Y, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, Mỹ phẩm - Thực phẩm; 07 TTYT huyện (2 chức năng); 01 TTYT Dự phòng thành phố; 08 Trung tâm Dân số -KHHGĐ huyện, thành phố thuộc Chi cục DS - KHHGĐ, 108 Trạm Y tế, 04 Đơn nguyên điều trị nội trú. Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Ngành Y tế theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động và hiệu quả của các đơn vị trong ngành.

1. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực

Từ khi chia tách và thành lập tỉnh năm 2004 đến nay, công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực y tế từ tỉnh đến cơ sở luôn được Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở Y tế quan tâm, chỉ đạo: Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng từng giai đoạn và bổ sung hàng năm cho phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế của các đơn vị trong toàn ngành, gắn đào tạo, bồi dưỡng với quy hoạch, kế hoạch luân chuyển và bố trí sử dụng công chức, viên chức. Đặc biệt, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số, công chức, viên chức trẻ có triển vọng.

Qua kết quả đào tạo 15 năm qua, cho thấy số cán bộ có trình độ đại học, sau đại học ở các chuyên ngành ngày càng tăng, dần bổ sung số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cho Ngành Y tế, góp phần đáp ứng nhu cầu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân trong tình hình mới.

2. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cơ bản

Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lai Châu, các Bộ, ngành Trung ương đã dành kinh phí từ nhiều nguồn đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các cơ sở y tế trên địa bàn, cụ thể: 02 Bệnh viện tuyến tỉnh; 09 Trung tâm chuyên khoa, chuyên ngành tuyến tỉnh; 6/8 TTYT, bệnh viện huyện, 15 Phòng khám ĐKKV, 94 trạm y tế đạt 87% số trạm được đầu tư xây mới, sửa chữa nâng cấp.

Ngành Y tế tích cực tham mưu UBND tỉnh, Bộ Y tế huy động nguồn vốn trong và ngoài nước đầu tư mua sắm bổ sung trang thiết bị y tế cho các các cơ sở khám, chữa bệnh từ tuyến tỉnh đến tuyến xã. Đến nay, các cơ sở y tế, đặc biệt Bệnh viện Đa khoa tỉnh được đầu tư nhiều trang thiết bị y tế hiện đại như: Máy chụp CT.Scane, máy chụp cộng hưởng từ (MRI), mổ nội soi, hệ thống thận nhân tạo..., TTYT các huyện từng bước được bổ sung trang thiết bị y tế hiện đại đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của Nhân dân. Hiện tại, tuyến tỉnh đạt 87% (tăng trên 90% so với năm 2004), tuyến huyện, xã đạt trên 80% trang thiết bị theo danh mục của Bộ Y tế quy định (tăng 60% so với năm 2004).

3. Công tác phòng, chống dịch bệnh được tăng cường

Tăng cường và đẩy mạnh công tác Truyền thông giáo dục sức khoẻ, phòng, chống dịch bệnh cũng được Ngành đặc biệt quan tâm. Bên cạnh đó, Ngành Y tế đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh kiện toàn hệ thống mạng lưới dự phòng từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, tăng cường công tác giám sát, phát hiện dịch bệnh, khoanh vùng bao vây dập tắt dịch, kịp thời khống chế không để dịch bệnh lớn xảy ra, đặc biệt những căn bệnh hiểm nghèo mà trước kia luôn đe dọa sức khoẻ và tính mạng trẻ em, đến nay đã được khống chế.

 Công tác vệ sinh phòng bệnh đã và đang được tuyên truyền đến hộ gia đình, như phong trào "Sức khoẻ cho mọi nhà", "Làng văn hoá, làng sức khoẻ"…, chăm lo củng cố và hoàn thiện các công trình vệ sinh, cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường.

Duy trì các hoạt động tiêm chủng mở rộng. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 8 loại vacxin cho trẻ em < 1 tuổi năm 2018 đạt trên 92% ; Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em < 5 tuổi thể nhẹ cân xuống là 21,29% ; Công tác thanh, kiểm tra chất lượng Vệ sinh an toàn thực phẩm được triển khai và thực hiện tốt trên địa bàn toàn tỉnh.

4. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; Xây dựng bệnh viện Xanh - Sạch - Đẹp, thân thiện

Ngành đã tranh thủ sự giúp đỡ của Bộ Y tế, các Vụ, Viện Trung ương đặc biệt Đề án 1816 về chuyển giao kỹ thuật và sử dụng trang thiết bị hiện đại trong chẩn đoán và điều trị, nhờ đó chất lượng dịch vụ y tế ngày càng được nâng cao, sức khỏe Nhân dân ngày càng được chăm sóc tốt hơn. Trang thiết bị y tế được đổi mới, nhiều kỹ thuật hiện đại trong chẩn đoán và điều trị được áp dụng thành công.

Năm 2016, Bệnh viện Đa khoa tỉnh được Bộ Y tế đưa vào Kế hoạch bệnh viện vệ tinh của 3 bệnh viện Trung ương (Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K). Đến năm 2018, trung tâm Y tế Tam Đường và Trung tâm Y tế Than Uyên được Bộ Y tế quyết định là Bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện E. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức lớn đối với tập thể lãnh đạo, cán bộ, viên chức toàn đơn vị trong việc xây dựng và phát triển bệnh viện lên vị thế mới. Sau khi có Quyết định, các đơn vị đã cử nhiều kíp học tập chuyên môn tại Bệnh viện Trung ương để trở về phục vụ khám, chữa bệnh cho Nhân dân, làm chủ được nhiều thiết bị y tế hiện đại trong khám, chữa bệnh.

Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh, triển khai cơ sở y tế “xanh - sạch - đẹp”. Ngành Y tế Lai Châu, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời cũng là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của ngành Y tế. Với sự quyết tâm, cam kết hưởng ứng của toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành, sau 04 năm triển khai thực hiện các đơn vị đã tạo ra những thay đổi tích cực, nhiều đơn vị khang trang, xanh, sạch, đẹp và nhiều cá nhân được người bệnh, người nhà người bệnh khen ngợi, tin tưởng góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của người cán bộ y tế, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ sở y tế trên địa bàn.

5. Thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số

15 năm qua, các Chương trình Mục tiêu Y tế Quốc gia đã được Ngành Y tế chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ từ tuyến tỉnh, huyện, tuyến xã, phường, thị trấn và đến tận thôn bản, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực hành chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng.

Công tác Chăm sóc sức khỏe sinh sản từng bước được củng cố về mạng lưới, chất lượng hiệu quả hoạt động tăng dần theo hàng năm. Tỷ lệ phụ nữ có thai được quản lý, tỷ lệ phụ nữ đẻ tại cơ sở y tế, tỷ lệ chăm sóc trước sinh, sau sinh, tỷ lệ phụ nữ có thai được tiêm phòng uốn ván tăng hơn rất nhiều so với năm đầu chia tách tỉnh. Giảm tỷ suất chết mẹ, chết sơ sinh, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi. Dịch vụ Chăm sóc SKSS - KHHGĐ từng bước được mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có nhu cầu sử dụng dịch vụ, góp phần từng bước giảm tỷ lệ tăng dân số, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên giảm trên địa bàn toàn tỉnh.

Thiết lập mạng lưới hoạt động trong lĩnh vực đảm bảo VSATTP từ tuyến tỉnh, huyện đến tuyến xã. Đảm bảo chất lượng VSATTP trong những dịp ngày Lễ, Tết Nguyên đán và trong những ngày sự kiện lớn của tỉnh. Không để xảy ra các vụ ngộ độc lớn, hạn chế các ca tử vong do ngộ độc thực phẩm.

Công tác phòng, chống HIV/AIDS từng bước được củng cố, hoàn thiện về mạng lưới từ tuyến tỉnh, huyện đến tuyến xã và thôn bản. Tranh thủ các nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế đẩy mạnh hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn toàn tỉnh. Do vậy, từng bước giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh. Thực hiện có hiệu quả Đề án triển khai điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tỉnh Lai Châu giai đoạn 2012 - 2015. Đến nay, hoạt động điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, kết quả đạt: Triển khai tại 8 huyện/thành phố và 30 điểm xã; tiếp cận điều trị cho 2.062 người nghiện ma tuý (đến ngày 31/5/2019), đạt 121% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Lai Châu và đạt >95% kế hoạch giao hàng năm.

Công tác Dân số - KHHGĐ được quan tâm, chú trọng. Tăng cường công tác truyền thông bằng nhiều hình thức; dịch vụ cung ứng KHHGĐ được mở rộng, đảm bảo cung ứng kịp thời các phương tiện KHHGĐ cho khách hàng. Thực hiện có hiệu quả các Đề án về công tác DS - KHHGĐ, kết quả hoạt động triển khai thu được những thành tựu đáng khích lệ: Tỷ lệ tăng dân số, tỷ lệ sinh con thứ 3, tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống năm sau giảm hơn năm trước. Tuổi thọ trung bình và thể chất của người dân từng bước được nâng cao.

6. Phát triển Nghiên cứu khoa học

Bên cạnh sự phát triển tiến bộ trong công tác phòng, chống dịch bệnh, khám chữa bệnh cho Nhân dân, Ngành Y tế từng bước đẩy mạnh phòng trào nghiên cứu khoa học. Hàng năm, có hàng trăm đề tài/sáng kiến các cấp được nghiệm thu. Công tác nghiên cứu khoa học đã trở thành phong trào sâu rộng trong toàn ngành, góp phần đáng kể vào việc hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân. Nhiều đề tài, sáng kiến đã được ứng dụng rộng rãi trong ngành đem lại hiệu quả thiết thực trong việc khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh giảm chi phí cho người bệnh. Số lượng đăng ký đề tài NCKH của cán bộ Ngành Y tế tăng hằng năm, trong đó nhiều đề tài của các cán bộ trẻ.

7. ng dụng CNTT trong quản lý, điều hành hoạt động

          Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành của các đơn vị; chú trọng việc xử lý công việc trên hệ thống quản lý văn bản điều hành, sử dụng chữ ký số và hộp thư công vụ; nâng cấp và tăng cường dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 3 và 4 tăng cường tiếp nhận và trả kết quả dịch vụ bưu chính công; giải quyết thủ tục hành chính trên phần mềm hệ thống một cửa điện tử.

Trong thời gian qua, việc ứng dụng CNTT tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh luôn được Ngành Y tế đặc biệt quan tâm. Đến nay, tất cả các cơ sở KCB đều đã thực hiện liên thông, trích chuyển dữ liệu KCB trong thanh quyết toán bảo hiểm y tế (BHYT). Đến nay, hạ tầng kỹ thuật, hệ thống mạng, máy tính, thiết bị tiếp tục được củng cố, trang bị tại cơ quan Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc. Các đơn vị từng bước nâng cấp, xây dựng hệ thống mạng LAN. Hệ thống mạng được bảo đảm hoạt động thông suốt, đáp ứng cơ bản các điều kiện bảo mật, an toàn thông tin và hoạt động thường xuyên, liên tục phục vụ công việc hàng ngày của cán bộ công chức và cán bộ, nhân viên y tế tại các đơn vị trực thuộc. Đường truyền mạng internet được nâng cấp, đáp ứng cơ bản yêu cầu phục vụ công tác quản lý, điều hành và phục vụ KCB, gửi thông tin giám định BHYT...

Tính đến nay, 100% đơn vị KCB công lập tuyến tỉnh, tuyến huyện và trạm y tế xã, phường đã đầu tư, áp dụng phần mềm quản lý KCB liên thông thanh toán BHYT.

8. Các hoạt động phong trào thi đua yêu nước

Phong trào văn hóa, văn nghệ TDTT, hoạt động từ thiện,.. được các đoàn thể  quan tâm, chú trọng  phát động, triển khai mạnh mẽ. Những năm qua, Ngành Y tế luôn được cơ quan chuyên môn đánh giá là một trong những ngành có thế mạnh trong các phong trào của tỉnh, đạt nhiều thành tích cao trong các giải do các cấp các ngành phát động.