NHẬN BIẾT VẾT CẮN CỦA RẮN ĐỘC VÀ CÁCH SƠ CỨU KHI BỊ RẮN CẮN
Nếu không may bị rắn cắn thì sơ cứu vết thương là vô cùng quan trọng, vì vậy hãy tìm hiểu cách sơ cứu vết rắn cắn để bảo vệ bản thân tốt. Trong tự nhiên có nhiều loại rắn, có những loại rắn mang nọc độc rất nguy hiểm. Nếu sơ ý bị rắn cắn, bạn không nên chủ quan vì nếu là loài rắn độc có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, mỗi người hãy tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết!
1. Cách nhận biết khi bị rắn độc cắn
Quan sát vết rắn cắn
Khi bị rắn cắn, bạn hãy thử quan sát vết cắn để nhận biết mình có bị rắn độc cắn hay không.
Rắn độc: Rắn độc là một loại rắn rất nguy hiểm, thường có hai răng độc lớn. Khi rắn cắn, răng sẽ đồng thời truyền độc vào vùng da của nạn nhân và để lại vết răng đặc trưng. Người bị rắn độc cắn thường để lại ít dấu răng ở vết cắn nhưng sẽ có 2 vết răng nanh. Khi quan sát sẽ thấy mỗi vết cắn của răng nanh cách nhau khoảng 5mm và một số vết răng nhỏ.
Rắn không độc: Khi quan sát vết cắn sẽ thấy dấu vết để lại của cả 2 hàm răng với những chấm nhỏ hình vòng cung và không có vết răng nanh.
Ảnh nguồn internet: Quan sát vết rắn cắn để nhận biết
Triệu chứng chung khi bị rắn độc cắn
Hầu hết các nạn nhân sau khi bị rắn độc tấn công sẽ có một số biểu hiện chung sau:
Tại vùng bị cắn: Có cảm giác đau rát nghiêm trọng, sau đó có thể sưng, tấy đỏ, chảy máu và bầm tím. Đôi khi sẽ lan rộng ra các vùng xung quanh và gây nhiễm trùng, hoại tử da.
Biểu hiện toàn thân: Buồn nôn, tiêu chảy, khó thở, sưng môi, lưỡi và nướu, cảm giác cơ thể yếu dần, tinh thần lú lẫn, nhịp tim không đều. Trong một số trường hợp nạn nhân sẽ cảm thấy có mùi vị kỳ lạ trong miệng.
Ảnh nguồn internet: Triệu chứng chung khi bị rắn độc cắn
Triệu chứng khi bị rắn hổ cắn
Một nhóm rắn có độc tố mạnh như họ rắn hổ sẽ gây ra các triệu chứng về thần kinh. Vết rắn cắn không quá đau nhưng sẽ có cảm giác da ngứa, mệt mỏi, buồn ngủ, mạch yếu, hạ huyết áp, liệt toàn thân hay suy hô hấp và ngừng thở.
Triệu chứng khi bị rắn lục cắn: Rắn lục là loại rắn có chứa độc tố gây xuất huyết. Toàn chi bị cắn đau nhiều, da đỏ bầm, xuất huyết, chỗ bị rắn cắn phù, dễ bị hoại tử. Sau khi bị cắn khoảng 30 phút tới 1 giờ, nạn nhân có hiện tượng nôn, ngất xỉu.
2. Cách sơ cứu khi bị rắn độc cắn
Nếu bị rắn độc tấn công, hãy nhanh chóng liên hệ dịch vụ cấp cứu khẩn cấp tại cơ sở y tế gần nhất. Trong thời gian chờ sự giúp đỡ từ y tế, người thực hiện sơ cứu nên làm theo các bước sau đây:
Di chuyển nạn nhân xa ra khỏi tầm hoạt động của con rắn. Sau khi đã ra khỏi tầm hoạt động của rắn, bạn nên hạn chế di chuyển nạn nhân và cố gắng điều chỉnh tư thế để nơi bị rắn cắn thấp hơn vị trí tim để làm giảm tốc độ di chuyển của nọc độc về tim.
Cởi bỏ đồ trang sức và nới lỏng quần áo nhằm tránh gây chèn ép, vì vết thương có thể bị sưng lên.
Làm sạch vết thương bằng nước muối sinh lý. Sau đó, dùng một miếng gạc khô và sạch để băng vùng bị cắn. Khi thực hiện thao tác này, người sơ cứu nên lau rửa tay sạch sẽ.
Nếu có thể, hãy kiểm tra thân nhiệt, nhịp thở, nhịp tim và huyết áp của nạn nhân.
Lưu ý, khi chưa xác định được loài rắn đã cắn nạn nhân, bạn không nên rạch vết thương để hút nọc độc vì sẽ gây nguy hiểm cho cả hai.
Ảnh nguồn internet: Cách sơ cứu khi bị rắn độc cắn
Cách sơ cứu khi bị rắn hổ cắn
Nếu nạn nhân bị rắn hổ cắn, người sơ cứu có thể thực hiện theo các bước sau:
Bước 1 Nhanh chóng buộc garô phía trên vết cắn khoảng 3 - 5cm. Có thể garô bằng mọi thứ dây tự có tại chỗ như: dây thun, dây quai nón… Chú ý nên dùng dây có bản to để giảm tổn thương nơi garô.
Bước 2 Rửa sạch vết rắn cắn để tẩy nọc độc, sau khi đến cơ sở y tế, cần rửa lại bằng thuốc tím và cồn.
Bước 3 Rạch nhẹ vết cắn hình chữ thập (+), rạch rộng dài khoảng 1 - 2cm. Lưu ý, trước khi rạch rộng phải sát trùng để tránh nhiễm trùng và tránh rạch đứt dây thần kinh, mạch máu, dây chằng.
Bước 4 Nếu tình huống của nạn nhân nghiêm trọng, người có chuyên môn có thể hút máu tại chỗ rắn cắn để đưa bớt độc tố ra khỏi cơ thể nạn nhân, khi thấy máu đỏ tươi chảy ra thì dừng lại.
Nếu tình hình nạn nhân ổn định thì hãy kiên nhẫn chờ đợi sự giúp đỡ từ y tế, như vậy sẽ an toàn hơn cho cả người sơ cứu và nạn nhân.
Bước 5 Rửa sạch lại vết cắn và chờ đợi sự cấp cứu có chuyên môn từ y tế.
Ảnh nguồn internet: Sơ cứu khi bị rắn hổ cắn
Cách sơ cứu khi bị rắn lục cắn
Người sơ cứu có thể thực hiện theo các bước sau nếu nạn nhân bị rắn lục cắn:
Giải quyết vấn đề đau nhức, sưng phù, xuất huyết, hoại tử. Người sơ cứu nên thực hiện băng ép, tẩy nọc và chuyển nạn nhân đến bệnh viện trong thời gian ngắn nhất.
Lưu ý, khi bị rắn lục cắn, không cần garô, rạch rộng, hút máu bởi sẽ làm dễ gây hoại tử hơn, làm chảy máu không cầm được.
3 Cách phòng tránh bị rắn độc cắn
Để tránh bị rắn cắn, bạn nên lưu ý một số điều sau:
Tránh xa môi trường có rắn sinh sống, ẩn nấp như tảng đá, gỗ.
Khi di chuyển ở những vùng bụi rậm, bạn nên mặc quần áo bảo hộ an toàn, đi ủng hoặc giày cao cổ, mặc quần dài. Mang theo gậy để dò đường phía trước khi đi vào những khu vực tối.
Nếu gặp rắn, bạn nên di chuyển nhẹ nhàng, tránh kích động rắn.
Rắn dù đã chết vẫn có thể còn chứa nọc nguy hiểm gây chết người, do vậy không nên cố bắt hay giết chết rắn.
Nếu bạn thường xuyên phải đi lại ở những vùng nguy hiểm, hãy trang bị bẫy rắn.
Ảnh nguồn internet: Một số biện pháp phòng tránh bị rắn cắn
RẮN LỤC CẮN
I. ĐẠI CƯƠNG
- Rắn lục gồm nhiều loại như rắn chàm quạp (rắn choàm quạp, rắn lục Mã Lai), lục xanh, lục hoa cải, lục mũi hếch, khô mộc. Rắn lục chủ yếu sống ở vùng rừng núi.
- Nọc rắn lục là một phức hợp bao gồm các enzyme tiêu protein, acid amin, lipid và một số yếu tố vi lượng như Cu, Zn và Magnesi. Các enzyme là yếu tố chính thúc đẩy quá trình độc đối với tế bào, máu và thần kinh. Enzym collagenase và hyaluronidase gây sưng nề và phá hủy cơ tại chỗ cắn. Lecithin và ion kim loại hóa trị 2 hoạt hóa phospholipase A2 gây tan máu, phá hủy tiểu cầu và ti thể. Nọc rắn lục có tác dụng giống như thrombin tác dụng lên fibrin gây giảm fibrin và tăng các sản phẩm giáng hóa của fibrin.
Ảnh nguồn internet
II. CHẨN ĐOÁN
2.1 Chẩn Đoán Xác Định
2.1.1 Hỏi Bệnh
Bị rắn lục cắn, rắn có đầu hình tam giác, to hơn thân có thể màu xanh hoặc màu nâu xám như cành cây khô.
2.1.2 Lâm Sàng
- Tại chỗ: vài phút sau khi bị rắn cắn sưng tấy nhanh, chảy máu tại vết cắn, có thể ngay sau khi bị rắn cắn. Rắn lục xanh, rắn khô mộc (miền Bắc) gây sưng nề và chảy máu trong cơ, chảy máu dưới da, không hoại tử hoặc hoại tử ít. Rắn lục miền Nam gây hoại tử nhiều và bọng nước. Sau đó, toàn chi sưng to, bầm tím, xuất huyết dưới da, xuất huyết trong cơ, phồng rộp, xuất huyết trong bọng nước. Có thể có hội chứng khoang.
- Toàn thân:
+ Chóng mặt, lo lắng, đau nhức toàn thân, nôn, buồn nôn, tình trạng sốc.
+ Chảy máu nhiều nơi: tại vết cắn, chảy máu chân răng, máu cam, tại nơi tiêm, xuất
huyết tiêu hóa, đái máu, thiếu máu...
2.1.3 Xét Nghiệm
- Đông máu cơ bản, công thức máu khi vào viện. Sau đó, nếu có rối loạn đông máu (PT giảm hoặc kéo dài, APTT kéo dài, sợi huyết giảm), bất thường công thức máu (giảm tiểu cầu, thiếu máu) thì làm đông máu toàn bộ, công thức máu ít nhất 1 lần/ngày, làm các xét nghiệm thông số đông máu khác theo tình trạng lâm sàng của bệnh nhân.
- Đánh giá thời gian đông máu sau 20 phút: lấy 2ml máu vào ống không chống đông, sau 20 phút nếu máu vẫn không đông chứng tỏ bệnh nhân có rối loạn đông máu kiểu kháng đông (dễ chảy máu).
- Công thức máu, ure, đường, điện giải, AST, ALT, CK, bilirubin.
- Tổng phân tích nước tiểu xem có đái máu hay không.
- Điện tim, Xquang phổi, nghi ngờ có xuất huyêt não CT sọ não.
2.2 Chẩn Đoán Phân Biệt
- Rắn thường cắn: vết cắn có nhiều răng xếp thành 1 hay 2 vòng cung, ngứa xung quanh vết cắn.
- Rắn hổ đất cắn, rắn hổ chúa cắn: hoại tử, phù nề tại nơi cắn nhưng không có rối loạn đông máu, chảy máu hay giảm tiểu cầu.
- Chuột cắn.
III. ĐIỀU TRỊ
3.1 Điều Trị Chung
- Trấn an người bệnh, nặn máu, rửa vết cắn bằng nước sạch và xà phòng, tháo bỏ vòng, nhẫn.
- Thực hiện biện pháp hồi sức đảm bảo hô hấp tuần hoàn.
- Không băng ép, không chích rạch.
- Rửa sạch vết thương, tiêm SAT.
- Truyền dịch, lợi tiểu đảm bảo lượng nước tiểu > 150ml/giờ tránh suy thận cấp.
- Nếu có triệu chứng chảy máu dùng ngay huyết thanh kháng nọc rắn.
- Điều trị các rối loạn đông máu bằng truyền huyết tương tươi đông lạnh, truyền cryo, khối tiểu cầu, hồng cầu khối, nếu không có chế phẩm máu thì truyền máu tươi.
- Cho thở máy khi có liệt hô hấp hay có chảy máu phổi.
- Chú ý theo dõi xét nghiệm đông máu 2-4 lần/ngày khi có rối loạn đông cầm máu.
3.2 Điều Trị Đặc Hiệu
- Huyết thanh kháng nọc rắn lục
- Cách dùng huyết thanh kháng nọc rắn lục:
Bảng 1. Cách Dùng Huyết Thanh Kháng Nọc Rắn Lục
Mức độ nặng | Liều ban đầu | Liều tối đa |
Không có triệu chứng hoặc rất nhẹ | Không dùng | Không dùng |
Nhẹ (đau tại chỗ và sưng) | Không dùng | Không dùng |
Trung bình (sưng nề lan rộng, chảy máu có triệu chứng toàn thân nhẹ) | 5 lọ | 30 lọ |
Nặng (tụt HA, sưng lan nhanh và rộng, chảy máu nhiều và rối loạn đông máu) | 10-15 lọ | 50 lọ |
- Mục tiêu của dùng huyết thanh kháng nọc rắn là phục hồi các triệu chứng toàn thân như sốc, rối loạn động máu, tiểu cầu, dị cảm và ngừng các triệu chứng sưng và đau. Ba ngày sau khi bị rắn cắn, huyết thanh kháng nọc rắn còn hiệu quả và thậm chí có thể hiệu quả khi dùng muộn hơn, tuy nhiên dùng càng sớm hiệu quả càng cao.
- Ngừng huyết thanh kháng nọc khi: hết chảy máu, tiểu cầu và các yếu tố đông máu hồi phục và có xu hướng về bình thường.
- Sau ngừng huyết thanh kháng nọc có thể tái phát triệu chứng sau 12-36 giờ. Cần theo dõi xét nghiệm đông máu sau dùng liều cuối của huyết thanh kháng nọc để cần thiết dùng nhắc lại 2 lọ hoặc hơn tùy theo tình trạng của bệnh nhân.
IV. PHÒNG BỆNH
- Khi lao động cần đeo găng, đi ủng.
- Đi rừng cần đội mũ rộng vành.
RẮN HỔ MANG CẮN
I. ĐẠI CƯƠNG
- Thường gặp:
+ Hổ mang bành (Naja atra, Chinese cobra): gặp ở miền Bắc, khi cổ bạnh, trên cổ có hoa văn hình kính có 2 gọng.
+ Hổ đất (Naja kaouthia, Cobra): gặp ở cả 2 miền, kính có một mắt kính dạng vòng tròn.
+ Hổ mèo (Naja siamensis, Cobra): gặp ở miền Nam, kính hình chữ “V”, hoặc hình mặt mèo.
- Khi rắn tấn công có cổ bạnh rộng theo chiều ngang và phát ra âm thanh đặc trưng.
- Rắn hổ mang cắn là một cấp cứu. Tất cả các bệnh nhân (BN) bị rắn hổ cắn hoặc nghi ngờ rắn hổ cắn phải được vào viện và theo dõi sát tại khoa cấp cứu có máy thở và có huyết thanh kháng nọc rắn đặc biệt.
Ảnh nguồn internet
II. CHẨN ĐOÁN RẮN HỔ MANG CẮN
2.1 Chẩn Đoán Xác Định
• Hỏi bệnh: bệnh nhân bị rắn cắn, rắn với các đặc điểm nêu trên. Yêu cầu người nhà mang rắn tới (cẩn thận có thể bị rắn cắn), hoặc chụp ảnh gáy của rắn khi bạnh cổ.
• Triệu chứng : (xem bảng)
Bảng: Các Triệu Chứng Khi Bị Rắn Cắn
Triệu chứng | Hổ mang bành | Hổ đất | Hổ mèo |
- Đau buốt | + | + | + |
- Vết răng, móc độc | + | + | + |
- Phù nề lan tỏa | +++ | +++ | +++ |
- Hoại tử | +++ | +++ | +++ |
Toàn thân: | |||
- Sụp mi | - | ± | + |
- Dãn đồng tử | - | ± | + |
- Phản xạ ánh sáng | + | + | + |
- Há miệng hạn chế | ± | ± | + |
- Khó thở, liệt cơ hô hấp | - | ± | + |
- Liệt chi, phản xạ gân xương giảm | - | ± | + |
- Rối loạn tiêu hóa | + | + | + |
- Suy thận cấp ( tiêu cơ vân) | +++ | +++ | +++ |
2.2 Chẩn Đoán Phân Biệt
- Rắn hổ chúa cắn: rắn hổ chúa to, dài khoảng trên 2,5m, cổ bạnh không rộng nhưng kéo dài theo chiều thẳng đứng. Thường kèm theo liệt cơ, sưng nề nhưng không có hoại tử.
- Rắn lục cắn: đầu rắn to so với thân, hình tam giác, con ngươi rắn hình elip dựng đứng, gây rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu và chảy máu, không liệt.
- Rắn thường cắn: vết cắn có nhiều răng xếp thành 1 hay 2 vòng cung, bệnh nhân ngứa nhiều xung quanh vết cắn.
- Chuột cắn: vết răng cắn sâu, có thể có sưng nề, nhiễm trùng, không có hoại tử.
- Rết cắn: vết cắn nông, đau, sưng nề ít, không hoại tử.
2.3 Xét Nghiệm Giúp Chẩn Đoán, Đánh Giá, Theo Dõi
- Công thức máu.
- Ure, glucose, creatinin, điện giải, CK, AST, ALT.
- Đông máu cơ bản.
- Điện tim.
- Xét nghiệm khác tùy theo tình trạng bệnh nhân.
III. ĐIỀU TRỊ RẮN HỔ MANG CẮN
- Cấp cứu tại chỗ: ga-rô tĩnh mạch, nặn hút, chích rạch, rửa vết cắn dưới vòi nước sạch.
- Đặt nội khí quản, thở máy nếu có liệt cơ gây ho khạc kém hoặc liệt cơ hô hấp.
- Truyền dịch nhiều chống suy thận cấp do tiêu cơ vân.
- Chống phù nề, chống đau.
- Huyết thanh kháng nọc độc đặc hiệu cho từng loại (tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm tại chỗ). Chú ý đề phòng sốc phản vệ (nếu có, tiêm adrenalin).
- Thận nhân tạo hoặc lọc máu liên tục (CVVH) tùy theo tình trạng Bn có suy thận cấp do tiêu cơ vân không đáp ứng với điều trị bằng thuốc hoặc nhiễm trùng nhiễm độc nặng.
- Chăm sóc vết thương, chống nhiễm trùng:
+ Rửa vết thương, sát trùng (Betadine, oxy già), cắt lọc tổ chức hoại tử, trích rạch dẫn lưu mủ, rạch màng cơ nếu áp lực khoang tăng gây chèn ép, thiếu máu cục bộ.
+ Chống uốn ván, kháng sinh (clindamycin, gentamycin).
IV. PHÒNG BỆNH RẮN HỔ MANG CẮN
Rắn hổ có thể chủ động tấn công người nhưng trên thực tế, phần lớn các trường hợp bị rắn là do con người chủ động bắt rắn hoặc trêu rắn (vô tình hoặc cố ý làm cho rắn cảm thấy bị đe dọa). Trong lao động để tránh hoàn toàn không bị rắn cắn là rất khó. Các biện pháp sau có thể giúp giảm nguy cơ bị rắn cắn:
- Biết về loại rắn trong vùng, nếu khu vực rắn thích sống hoặc ẩn nấp. Biết về thời gian trong năm hoặc trong ngày và kiểu thời tiết nào rắn thường hoạt động nhất.
- Đặc biệt cảnh giác với rắn sau các cơn mưa, khi có lũ lụt, mùa màng thu hoạch và thời gian ban đêm.
- Cố gắng đi ủng, giày cao cổ và quần dài, đặc biệt khi đi trong đêm tối, đi ở khu vực nhiều cây cỏ, đầm lầy.
- Dùng đèn khi đi ban đêm.
- Càng tránh xa rắn càng tốt: không biểu diễn rắn, không cầm, không đe dọa rắn. Không bẫy rắn, đuổi hoặc dồn ép rắn trong khu vực khép kín.
- Không nằm ngủ trực tiếp trên nền đất.
- Không để trẻ em chơi gần khu vực có rắn.
- Không cầm, trêu rắn đã chết hoặc giống như đã chết.
- Tránh ở gần các nơi rắn thích cư trú hoặc thích đến như các đống gạch vụn, đống đổ nát, đống rác, tổ mối, nơi nuôi các động vật của gia đình.
- Thường xuyên kiểm tra nhà ở xem có rắn không, nếu có thể thì tránh các kiểu cấu trúc nhà tạo điều kiện thuận lợi cho rắn ở (như nhà mái tranh, tường xây bằng rơm, bùn với nhiều hang, hốc hoặc vết nứt).
RẮN CẠP NIA CẮN
I. ĐẠI CƯƠNG
- Cạp nia thuộc họ rắn hổ (Elapidae). Rắn cạp nia nhỏ, ngắn hơn rắn cạp nong, dài khoảng 1m (ít khi gặp loại dài trên 1,3m), màu da đen xanh có những khoanh trắng, khoang đen rõ nét nối tiếp nhau.
- Rắn cạp nia sống hoang dại ở cả 2 miền Bắc và Nam là loại rắn độc nhất trong các loại rắn.
- Nọc độc của rắn cạp nia bao gồm các protein, enzyme tác động cả ở tiền và hậu synap gây liệt cơ. Peptid lợi niệu natri có tác dụng ức chế hấp thu natri tại ống thận gây đái nhiều và mất natri. Tác dụng của nọc rắn còn độc với hệ thần kinh thực vật.
Ảnh nguồn internet
II. CHẨN ĐOÁN
2.1 Chẩn Đoán Xác Định
2.1.1 Đặc Điểm Rắn: người nhà hoặc bệnh nhân khai nhìn thấy rắn cạp nia cắn, có bằng chứng.
2.1.2 Lâm Sàng:
- Tại chỗ: đau ít, không sưng nề hoại tử, tìm thấy vết móc độc như kim châm hoặc không thấy (đa số không tìm thấy móc độc vì móc độc của cạp nia rất nhỏ).
- Toàn thân: dấu hiệu sớm: đau người, đau họng, sụp mi, há miệng hạn chế sau đó nuốt khó, liệt các cơ hô hấp và liệt chi, ngọn chi thường liệt cuối cùng. Liệt với tính chất liệt ngoại biên, đối xứng hai bên, liệt kiểu lan xuống (từ đầu xuống), khi hồi phục thì ngọn chi thường là nơi hồi phục trước.
- Dãn đồng tử hai bên, phản xạ kém hoặc không phản xạ ánh sáng.
- Mạch nhanh (nhịp nhanh xoang), huyết áp tăng, cầu bàng quang (+).
- Xét nghiệm cận lâm sàng, giúp đánh giá, theo dõi:
+ Xét nghiệm máu, nước tiểu: ure, đường, creatinin, điện giải máu, điện giải niệu, ALTT máu, niệu làm hằng ngày. Khi có hạ natri máu làm điện giải máu 2-4 lần/ngày để điều chỉnh. Protid, Albumin, AST, ALT, bilirubin, khí máu, ALTT máu, niệu. Công thức máu, cấy đàm, nước tiểu nếu cần.
+ Chẩn đoán hình ảnh: Xquang phổi, CT sọ não khi bệnh nhân liệt hoàn toàn không phân biệt được với hôn mê do bất thường cấu trúc.
2.2 Chẩn Đoán Phân Biệt
- Với các loại rắn hổ khác: rắn hổ mang, rắn hổ chúa.
- Bệnh thần kinh gây liệt cơ: bệnh Guilain Barre, rối loạn chuyển hóa porphyrin,...
- Tai biến mạch máu não.
- Mất não.
III. ĐIỀU TRỊ
3.1 Ngay Tại Chỗ:
Ga-rô tĩnh mạch, sau đó có thể rạch rộng vệt cắn và nặn rửa dưới vòi nước sạch rồi sát trùng.
3.2 Tại Đơn Vị Chống Độc:
3.2.1 Hồi Sức:
- Theo dõi sát tình trạng hô hấp (tần số thở, sức cơ, SpO2, khí máu động mạch), tình trạng liệt cơ (sụp mi, cơ hô hấp...).
- Nếu có suy hô hấp thì đặt NKQ - thở máy:
+ Phương thức kiểm soát thể tích (A/C thể tích):
+ Cài đặt Vt tăng dần đến 15 mL/kg trọng lượng lý tưởng.
+ Tần số 12 - 15 lần /phút. I/E = 1/2 + FiO2 < 45%. PEEP = 5.
- Theo dõi natri máu mỗi 24 giờ để phát hiện kịp thời hạ natri máu. Liệt cơ do rắn cạp nia thường kéo dài, BN dễ tử vong do hạ natri máu nếu không phát hiện kịp thời. Hạ natri có thể xảy ra sớm ngay trong ngày đầu bị cắn, thông thường hạ natri thường gặp nhất vào ngày thứ 2 và 3 sau bị cắn và kéo dài nhiều tuần. Khi có hạ natri máu, xét nghiệm natri máu 4 lần/ngày và điều chỉnh natri theo phác đồ hạ natri.
- Phòng và điều trị viêm phổi bệnh viện.
- Phòng huyết khối tĩnh mạch.
- Cân bằng nước điện giải.
- Dinh dưỡng: 35 kcalo/kg/ngày.
- Chăm sóc, vệ sinh, chống loét.
3.2.2 Huyết Thanh Kháng Nọc Độc (HTKN) Rắn Cạp Nia
- HTKN: khi có triệu chứng toàn thân nên dùng sớm ngay. Thử test 1 lọ, pha với natri clorua 0,9% với tỉ lệ 1/10. Lấy 0,01-0,02 ml làm test trong da. Với những bệnh nhân nhạy cảm hoặc đã tiêm huyết thanh trước đó nên pha loãng thành 1/100. Test dương tính khi thấy da vùng thử đỏ, sưng nề và có quầng trong khoảng 30 phút sau test. Nếu test âm tính cho truyền HTKN 10 lọ pha trong 250ml NaCl 0,9% hoặc pha với tỉ lệ 5-10ml/kg truyền trong 60-90 phút , tối đa 30 lọ.
- Với bệnh nhân có test HTKN dương tính: cân nhắc việc lợi hại của dùng HTKN với nguy cơ sốc phản vệ. Nếu tình trạng BN rất nặng cần dùng HTKN thì cho diphenhydramine, kháng H2 và corticoid trước đó (Methylprednisolon 40mg, tiêm tĩnh mạch 1-2 ống, tiêm bắp dimedrol hoặc pipolphen), sau đó chỉ định HTKN bắt đầu với tốc độ lúc đầu 3-5ml/giờ nếu không có biểu hiện gì thì tăng liều lên 120-180ml/giờ.
IV. PHÒNG BỆNH
Rắn cạp nia cắn thường ở đồng ruộng, các khu vực có nước hoặc gần nước, do nằm ngủ trên nền đất, do đó:
- Đi găng, ủng khi làm việc dưới nước.
- Đi ủng hoặc giày cao cổ, mặc quần dài và dùng đèn khi đi trong bóng tối, qua bụi cây.
- Không đưa tay vào các hang hốc, bụi cỏ nếu không nhìn rõ.
- Không nằm ngủ trên nền đất, kể cả trong nhà.
- Không tắm ở sông, hồ, ao, thận trọng khi lội nước vào ban đêm, tối.
- Thận trọng khi bắt rắn trong lưới: dễ nhầm đuôi với đầu rắn, khó bắt và dễ bị cắn.
- Không bắt rắn, trêu rắn hoặc chới với rắn.
Sưu tầm và tổng hợp: Dr. Trung Quyền