• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH LAI CHÂU
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

VAI TRÒ CỦA TRUYỀN THÔNG TRONG PHÒNG CHỐNG COVID-19

Trong những năm qua, truyền thông giáo dục sức khoẻ đã góp phần tích cực trong việc ngăn ngừa, phòng tránh dịch bệnh, tự bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cho mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, việc tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh COVID-19 có vai trò, vị trí rất quan trọng. Nhằm tăng cường phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng, chống dịch đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội và toàn thể Nhân dân, tạo môi trường đồng thuận trong việc thực thi các quy định; sự chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc đồng bộ, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở trong việc ngăn chặn, khống chế và kiểm soát dịch bệnh, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe về sự nguy hiểm của dịch COVID-19, đặc biệt là các biện pháp phòng, chống dịch để người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và chủ động phòng ngừa dịch bệnh.

Truyền thông chủ động cung cấp thông tin về vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong thực hiện các chủ trương, quyết sách của Đảng và Nhà nước trong việc phòng, chống đại dịch COVID-19. Từ đó, giúp cho chính quyền các cấp nắm bắt thông tin kịp thời, đánh giá mức độ nguy hiểm của COVID-19 và đề ra các quyết sách sát đúng, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện ở địa phương đã tạo dựng nên một nền tảng vững chắc cho “cuộc chiến” phòng, chống dịch có hiệu quả, đây được xem là công việc rất quan trọng cho thành công trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19. Các cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường công tác tuyên truyền về hướng dẫn thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Bộ Y tế, tỉnh về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tạo sự đồng thuận cao và phát huy sức mạnh của cộng đồng, từ đó huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị, xã hội và người dân trong phòng, chống dịch.

Đa dạng các hình thức truyền thông được xem là nhân tố quan trọng cho việc nâng cao hiệu quả truyền thông. Tuyên truyền rộng rãi trên các nền tảng như: Mạng xã hội (facebook, zalo, youtube…), phương tiện thông tin đại chúng, trực tiếp… về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, tình hình của dịch. Thông tin, tuyên truyền toàn diện, kịp thời, chính xác nhưng có chọn lọc, đúng mức, đúng thời điểm về diễn biến tình hình dịch bệnh, các yếu tố và nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, các hoạt động phòng, chống dịch bệnh của cơ quan chuyên môn; truyền thông giáo dục sức khỏe, chú trọng thông điệp “5K + vaccine”. Chú trọng về hiệu quả phòng bệnh và những điều cần biết khi tiêm vắc xin phòng COVID-19, các khuyến cáo về vắc xin để người dân nâng cao nhận thức, tránh lơ là, chủ quan và ứng dụng công nghệ.

Đấu tranh quyết liệt với thông tin giả mạo, sai sự thật về dịch bệnh. Vì phòng, chống COVID-19 được xem là một cuộc chiến, rất quyết liệt và có không ít nguy cơ tiềm ẩn gây bất an cho cộng đồng cũng như những nỗ lực của chính quyền. Việc này có ý nghĩa rất quan trọng vì không ít người cố tình thông tin xuyên tạc nhằm gây hoang mang trong xã hội hoặc nhằm gây phức tạp tình hình, chống lại các nỗ lực của lực lượng tuyến đầu chống dịch. Thậm chí có một số người nhẹ dạ cả tin, hoặc xem đó như là một trò chơi để câu like…để phổ biến những thông tin sai sự thật trên các trang mạng và ngoài xã hội.

Tại tỉnh Lai Châu, các phương pháp  truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 được áp dụng rất hiệu quả từ tuyến tỉnh đến các cơ sở thôn/bản, thiết lập nhiều fanpage, trang thông tin điện tử của các cơ quan có thẩm quyền để tuyên truyền các nội dung về phòng, chống dịch như: Fapage UBND tỉnh Lai Châu; Đài Phát thanh – truyền hình tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lai Châu… Ở các tổ dân phố, bản đều áp dụng truyền thông qua mạng zalo nhóm khá hiệu quả. Đúng như thực tế đã chứng minh, công tác truyền thông đã làm tốt vai trò của mình ngay từ ngày đầu chống dịch cho đến nay. Để tiếp thêm nguồn lực, chung tay cùng chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, các cơ quan báo chí truyền thông cần chuyển tải mạnh mẽ tinh thần “Đoàn kết, tương thân, tương ái”; phản ánh những tấm gương sáng, điển hình trong vận động ủng hộ phong trào phòng chống dịch COVID-19. Với sự tác động của báo chí truyền thông, không chỉ các doanh nghiệp, tổ chức mà nhiều người dân, trong đó có cả học sinh, người cao tuổi… đã tích cực đóng góp hoặc tham gia nhắn tin ủng hộ để ngành Y tế và các cơ quan, lực lượng chức năng có thêm điều kiện phòng, chống dịch có hiệu quả. Bên cạnh việc đưa tin, báo chí còn có nhiều bài phân tích sâu sắc, nhiều phóng sự phản ánh đậm nét công tác phòng, chống dịch đã đi vào lòng người và có sức ảnh hưởng lớn lan tỏa rộng rãi trong toàn xã hội.

Công tác truyền thông đã mang đến cho mọi người dân tại địa phương những thông tin chính xác, cụ thể về đại dịch COVID-19 như: Tính nguy hiểm, sự lây lan trong cộng đồng, cách phòng ngừa, hay các quyết định của chính quyền liên quan đến dịch bệnh… Mức độ thông tin liên tục, mạnh mẽ đã giúp cho mọi người nhận thức sâu sắc và tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch, góp phần to lớn vào công cuộc phòng, chống dịch đạt hiệu quả.

 


Tác giả: Đỗ Oanh
Nguồn:Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lai Châu Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE