• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH LAI CHÂU
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường ở Trạm Y tế

Với mục tiêu tăng tỷ lệ người bệnh tăng huyết áp (THA), đái tháo đường (ĐTĐ) được quản lý điều trị nhằm hạn chế tỷ lệ tàn tật và tử vong sớm, góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe người dân trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, được sự hỗ trợ của “Dự án sàng lọc, phát hiện và quản lý điều trị bệnh THA, ĐTĐ tại tỉnh Lai Châu” do Quỹ Thiện Tâm tài trợ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã triển khai công tác chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh nhân ở Trạm Y tế.

Ông Lò Văn Ơn, xã Nậm Lỏng (TP Lai Châu) bị THA gần 7 năm nay. Định kỳ mỗi tháng một lần, ông lại đến Trạm Y tế xã để khám, nhận thuốc uống. Hàng năm, ông lên bệnh viện tuyến trên để khám, xét nghiệm tổng quát, đánh giá hiệu quả điều trị, xem có biến chứng gì không, kết quả đều tốt. Ông Ơn cho biết: "Trước đây, tôi thường khám, nhận thuốc ở bệnh viện. Từ khi trạm Y tế cấp thuốc điều trị, tôi về trạm Y tế khám, lấy thuốc cho gần nhà, đỡ mất công chờ đợi, đi lại và được quản lý theo dõi thường xuyên".

Dự án được triển khai tại tỉnh ta từ tháng 4/2021. Qua đó, đã hỗ trợ nâng cao năng lực các trạm y tế xã về sàng lọc, phát hiện sớm và quản lý điều trị THA, ĐTĐ, trong đó có trên 90% cán bộ y tế làm công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm tại các Trung tâm Y tế, trạm Y tế được tập huấn, cập nhật kiến thức về phát hiện sớm, quản lý điều trị THA, ĐTĐ; trên 90% cán bộ y tế thôn, bản được tập huấn về kỹ năng truyền thông, sàng lọc, phát hiện sớm THA, ĐTĐ; trên 90% các Trạm Y tế triển khai quản lý điều trị THA, ĐTĐ được giám sát hỗ trợ, cầm tay chỉ việc ít nhất 01 lần về khám, phát hiện, quản lý điều trị THA, ĐTĐ. Cán bộ, nhân viên trạm y tế được tuyến trên tập huấn, cấp máy đo và kim que thử đường huyết, máy đo huyết áp, hồ sơ bệnh án, hỗ trợ cộng tác viên điều tra ở cộng đồng. Cán bộ Trạm cùng nhân viên y tế thôn bản lập danh sách người dân từ 40 tuổi trở lên, phỏng vấn các yếu tố nguy cơ. Khi có yếu tố nguy cơ, bệnh nhân được chuyển về trạm Y tế để khám tầm soát.

                                        Cán bộ Trạm Y tế xã Phúc Khoa (Tân Uyên) kiểm tra huyết áp cho bệnh nhân

Để tăng tỉ lệ người bệnh THA, ĐTĐ được phát hiện và đưa vào quản lý điều trị tại các cơ sở y tế, đặc biệt ở các trạm y tế xã. Với mục tiêu trên 80% người dân ≥40 tuổi trên địa bàn được đo huyết áp, sàng lọc ĐTĐ bằng phiếu đánh giá nguy cơ và truyền thông giáo dục sức khoẻ về phòng, chống bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng; 80% số người nghi ngờ THA, tiền ĐTĐ, ĐTĐ, phụ nữ mang thai được tư vấn và đến cơ sở y tế chẩn đoán xác định; 80% người bệnh THA, tiền ĐTĐ, ĐTĐ thai kỳ, ĐTĐ sau khi phát hiện được đưa vào quản lý điều trị tại các cơ sở y tế.

Đến nay, 100% Trạm Y tế xã, phường, thị trấn triển khai hồ sơ quản lý điều trị ngoại trú cho bệnh nhân THA, 4 Trạm Y tế triển khai hồ sơ quản lý điều trị ngoại trú cho bệnh nhân ĐTĐ. Toàn tỉnh, tính đến ngày 30/7/2022, đang quản lý 18.348 bệnh nhân THA, 1.633 bệnh nhân ĐTĐ; trong đó điều trị cho 7.120 bệnh nhân THA, 827 bệnh nhân ĐTĐ.

Y sỹ Đặng Thế Quang - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Phúc Than (Than Uyên) cho biết: "Trạm hiện có 1 nhóm thuốc điều trị bệnh ĐTĐ và 1 nhóm thuốc điều trị bệnh THA. Bệnh nhân được cấp thuốc một tháng/lần. Trong quá trình điều trị, kết hợp tư vấn dinh dưỡng, tập luyện, cách phòng, chống các biến chứng... Chúng tôi cũng tư vấn cho bệnh nhân 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm/lần đi lên bệnh viện tuyến trên khám, xét nghiệm kiểm tra". Việc triển khai điều trị bệnh không lây nhiễm ở cơ sở rất thuận tiện cho trạm Y tế. Người dân được tầm soát, phát hiện sớm bệnh, được điều trị và theo dõi trong suốt quá trình điều trị, tránh tình trạng bệnh mà không biết, điều trị không thường xuyên, liên tục".

BSCKI.Vũ Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Toàn tỉnh có 100% Trạm Y tế thực hiện quản lý điều trị bệnh THA và 04 Trạm Y tế quản lý điều trị bệnh ĐTĐ. Các Trạm Y tế được trang bị máy đo huyết áp, máy đo đường huyết, que thử đường huyết, kim chích lấy máu, các tài liệu truyền thông... Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn. Thuốc điều trị tại Trạm Y tế chủ yếu có 01 nhóm thuốc (Một số trạm có hai nhóm nhưng không nhiều), bệnh nhân hay bỏ trị; thẻ BHYT bị cắt giảm nhiều ở những xã xây dựng nông thôn mới hoặc xã thoát nghèo do vậy số bệnh nhân điều trị thấp hơn so với bệnh nhân quản lý. Mặt khác, cán bộ chuyên trách tuyến huyện, xã còn kiêm nhiệm nhiều chương trình, chưa có trình độ chuyên khoa sâu cũng ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động của chương trình.

Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục tổ chức khám sàng lọc, phát hiện sớm THA và đánh giá nguy cơ ĐTĐ cho đối tượng ≥40 tuổi tại cộng đồng. Đôn đốc chỉ đạo các cán bộ chuyên trách của các huyện, cán bộ y tế xã khuyến khích đối tượng có nguy cơ tới Trạm Y tế để được khám khẳng định THA và xét nghiệm đường máu để xác định nguy cơ tăng đường huyết. Tăng cường tư vấn cho đối tượng được chẩn đoán xác định THA và người tăng đường huyết điều trị tại trạm y tế hoặc đi tới các cơ sở y tế tuyến trên để chẩn đoán xác định ĐTĐ.

 


Tác giả: Mai Hoa
Nguồn:Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lai Châu Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE