Hội thảo Thống nhất giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của RRT và vận động ngân sách địa phương cho hoạt động RRT trong loại trừ sốt rét
Ngày 27/11, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương và Tổ chức PATH tổ chức Hội thảo Thống nhất giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của RRT và vận động ngân sách địa phương cho hoạt động RRT trong loại trừ sốt rét tại Việt Nam. Tham dự Hội thảo có TS. Trần Quang Phục - Phó Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương; bà Nguyễn Tố Như - Giám dốc Chương trình; BSCKII. Nguyễn Thế Phong - Phó Giám đốc Sở Y tế cùng các đại biểu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Nậm Nhùn và Trung tâm Y tế huyện Mường Tè.
TS. Trần Quang Phục - Phó Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương phát biểu tại Hội thảo
Tại Hội thảo các đại biểu được nghe BSCKI. Vũ Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh báo cáo kết quả hoạt động phòng, chống và loại trừ sốt rét giai đoạn 2018 - 2023 tại tỉnh Lai Châu. Theo thống kê báo cáo tình hình sốt rét tại tỉnh Lai Châu từ năm 2018 - 11/2023 có diễn biến phức tạp, số bệnh nhân tăng hàng năm (năm 2018 có 5 bệnh nhân, đến tháng 11/2023 là 93 bệnh nhân, 100% là ký sinh trùng thể P.vivax), tập trung tại huyện Mường Tè, chủ yếu là người dân tộc thiểu số (La Hủ), người dân còn tồn tại phong tục tập quán lạc hậu, trình độ dân trí còn thấp, ngủ tại nương rẫy, không nằm màn, di dân tự do khó quản lý… tiềm tàng nguy cơ nhiễm ký sinh trùng và dịch sốt rét trên địa bàn. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền còn gặp không ít khó khăn do bất đồng ngôn ngữ, nhân viên y tế thôn bản còn thiếu và hạn chế về chuyên môn. Kiến thức của người dân về phòng, chống bệnh sốt rét còn hạn chế. Kinh phí cho các hoạt động phòng, chống và loại trừ sốt rét bị cắt giảm… Để nâng cao hiệu quả phòng chống sốt rét Lai Châu cần tập trung đầu tư mọi nguồn lực, phòng, chống muỗi truyền bệnh sốt rét, cấp màn cho dân nghèo, đi nương, ngủ rừng. Phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phác đồ quy định. Duy trì giám sát chặt chẽ dịch tễ sốt rét, điều tra ca bệnh, ổ bệnh các điểm nóng dịch sốt rét tại huyện Mường Tè đảm bảo thường xuyên và chất lượng. Phát hiện sớm dịch sốt rét để có biện pháp can thiệp kịp thời. Củng cố mạng lưới y tế cơ sở đảm bảo số lượng và chất lượng. Tăng cường công tác đào tạo và đào tạo lại cho cán bộ làm công tác phòng, chống sốt rét ở các tuyến và tăng cường công tác truyền thông về phòng, chống dịch bệnh cho người dân.
Bà Nguyễn Tố Như - Giám đốc Dự án PATH phát biểu tại Hội thảo
Tại Hội thảo các đại biểu đã thảo luận các giải pháp nâng cao hoạt động RRT trong phòng, chống loại trừ sốt rét tại Lai Châu. Các đơn vị chủ động tham mưu kịp thời với Sở Y tế ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động phòng, chống sốt rét. Với các huyện đã loại trừ vẫn cần có kế hoạch giám sát chủ động. Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cử cán bộ hỗ trợ xây dựng kế hoạch kinh phí, quản lý, thanh quyết toán các nguồn kinh phí ở địa phương theo đúng quy định
TS. Trần Quang Phục - Phó Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương và BSCKII. Nguyễn Thế Phong - Phó Giám đốc Sở Y tế chủ trì thảo luận tại Hội thảo
Kết luận tại Hội thảo, BSCKII. Nguyễn Thế Phong - Phó Giám đốc Sở Y tế yêu cầu CDC phối hợp với các phòng chức năng Sở Y tế, tham mưu với Sở Y tế văn bản chỉ đạo thành lập tổ can thiệp điểm nóng và thúc đẩy loại trừ bệnh sốt rét; xây dựng hoàn chỉnh kế hoạch hoạt động; cử cán bộ chuyên môn hỗ trợ thực hiện kế hoạch can thiệp và thúc đẩy loại trừ sốt rét tại huyện Mường Tè. Thời gian tới đề nghị Trung tâm Y tế huyện Mường Tè phối hợp với phòng y tế tham mưu cho UBND huyện Mường tè chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch can thiệp điểm nóng và thúc đẩy loại trừ bệnh sốt rét, đảm bảo tiến độ, hiệu quả và đúng theo quy định…./.