• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH LAI CHÂU
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị trực tuyến phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh

Chiều ngày 29/6, Sở Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Dự và chỉ đạo điểm cầu tuyến tỉnh có BSCKII. Nguyễn Thế Phong - Phó Giám đốc Sở Y tế; lãnh đạo Phòng nghiệp vụ Y, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, BVĐK tỉnh, Bệnh viện Phổi tỉnh, BVYHCT tỉnh và TTYT các huyện, thành phố.

Tại Hội nghị, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh báo cáo công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm từ năm 2019 đến nay. Từ năm 2019 toàn tỉnh ghi nhận 01 vụ dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài, đến nay dịch bệnh đã được kiểm soát hoàn toàn và đã chuyển sang giai đoạn kiểm soát bền vững; các dịch bệnh khác không có diễn biến bất thường, ghi nhận rải rác một số ca bệnh, chùm ca bệnh truyền nhiễm. Không có trường hợp tử vong do dịch. Từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 62 chùm ca bệnh. Trong đó: Năm 2019: 04 chùm ca bệnh (Sởi, Lỵ trực trùng). Năm 2020: 01 chùm ca bệnh Thủy Đậu. Năm 2021: 06 chùm ca bệnh về Thuỷ đậu, Tay chân miệng. Năm 2023: 37 chùm ca bệnh về Đau mắt đỏ, Thuỷ đậu, Quai bị, Nhiệt thán, Tay chân miệng. 6 tháng đầu năm 2024: Ghi nhận 14 chùm ca bệnh về Thuỷ đậu, Quai bị, Tay chân miệng, Đau mắt đỏ.

                           BSCKI. Trần Đỗ Kiên - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh báo cáo công tác phòng chống dịch bệnh tại Hội nghị

Về công tác tiêm chủng mở rộng (TCMR): Trẻ < 1 tuổi tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin, từ năm 2019 đến 2021 đạt chỉ tiêu kế hoạch giao. Năm 2022: đạt 87,77% (KH giao 94,41%), đã tổ chức tiêm bù năm 2023,  đạt 95,92%. Năm 2023: đạt 55,86% (KH giao 94,60%), tổ chức tiêm bù đến 13/6/2024: đạt 80, 61% (KH giao 94,60%), trong đó 8/8 huyện, thành phố chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch giao, do thiếu vắc xin từ Viện VSDT, đặc biệt là vắc xin DPT-VGB-Hib. Thiếu vắc xin kéo dài ảnh hưởng đến tỷ lệ bao phủ tăng nguy cơ xảy ra dịch, mắc/tử vong do các bệnh truyền nhiễm trong TCMR. Năm 2024: Trẻ < 1 tuổi tiêm chủng 8 loại vắc xin (tính trên diện tiêm chủng đầy đủ đến 13/6/2024) toàn tỉnh đạt 52.46%.

Trẻ 18 tháng tiêm vắc xin Sởi-Rubella: Từ năm 2019 đến năm 2021: đạt chỉ tiêu kế hoạch giao. Năm 2022, đạt 76,9% (KH giao 96,9%), tổ chức tiêm bù, toàn tỉnh đạt 97,0%. Năm 2023: đạt 97.0%. Năm 2024: tính đến 31/5/2024 toàn tỉnh đạt 34,4% chưa đạt tiến độ (40,4%).

Trẻ 18 tháng tiêm vắc xin DPT: Từ năm 2019 đến năm 2021: đạt chỉ tiêu kế hoạch giao. Năm 2022: đạt 84,8% chưa đạt chỉ tiêu (96,9%), tổ chức tiêm bù, đạt 91,5% chưa đạt chỉ tiêu (96,9%). Năm 2023: đạt 23.0% chưa đạt chỉ tiêu (96,9%), tổ chức tiêm bù, đạt 92,4%. Năm 2024: đạt 31,2% chưa đạt tiến độ (40,4%).

Trẻ 1 tuổi tiêm Viêm não nhật bản mũi 1,2 và mũi 3: Từ năm 2019 đến năm 2023, đạt chỉ tiêu kế hoạch giao. Năm 2024: Mũi 1,2 đạt 33,4%, chưa đạt tiến độ (40,1%); mũi 3 đạt 36,5%, chưa đạt tiến độ (40,3%).

Phụ nữ có thai tiêm vắc xin Uốn ván  UV2 + : Từ năm 2019 đến năm 2023: đạt chỉ tiêu kế hoạch giao. Năm 2024 tính đến 31/5/2024: đạt 30,53% chưa đạt tiến độ (37,28%).

Hội nghị cũng được nghe các huyện chia sẻ về một số khó khăn, hạn chế và các giải pháp về công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương. Trong đó, một số khó khăn, hạn chế: Tình hình dịch bệnh thường xuyên có sự thay đổi, khó lường, khó dự báo. Địa bàn rộng giao thông đi lại khó khăn, nhận thức về công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêm chủng của một bộ phận người dân (đặc biệt là người dân tộc thiểu số) còn hạn chế, khi mắc bệnh chưa chủ động đến cơ sở y tế do đó việc thống kê, báo cáo ca bệnh chưa kịp thời. Tỷ lệ đẻ tại nhà còn cao, một số gia đình chưa tự giác đưa trẻ đi tiêm chủng do đó ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm và duy trì thành quả loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh và tiêm chủng vắc xin phòng chống lao trong vòng 24 giờ. Thiếu cung ứng vắc xin, do đó ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng đúng và đủ lịch, dẫn đến nguy cơ một số bệnh truyền nhiễm bùng phát đặc biệt là các bệnh trong diện TCMR. Công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, báo cáo ca bệnh tại cộng đồng tại một số huyện, xã còn chưa chủ động, chưa kịp thời; ca bệnh phát hiện chủ yếu tại cơ sở y tế và do CDC giám sát chủ động tại BVĐK tỉnh hoặc thông tin từ các kênh giám sát khác phản hồi cho tuyến huyện. Một số mẫu bệnh phẩm phải chuyển về Trung ương để làm xét nghiệm dẫn đến việc triển khai một số hoạt động phòng, chống dịch gặp khó khăn. Nhân lực y tế cho tuyến y tế cơ sở có thay đổi vị trí công tác, thiếu nhân lực chuyên môn sâu, ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ. Kinh phí địa phương cấp còn hạn chế, một số hoạt động như truyền thông, điều tra, giám sát phát hiện, lấy mẫu xét nghiệm ca bệnh truyền nhiễm không có kinh phí hoạt động. Nguồn kinh phí trung ương, viện trợ, tài trợ cho địa phương giảm, gián đoạn. Công tác rà soát, báo cáo thống kê, quản lý đối tượng còn nhiều hạn chế, việc trích xuất số liệu và biểu mẫu báo cáo còn nhiều lỗi; tốc độ truy vấn báo cáo trên hệ thống tại các tuyến còn chậm.

Về dự báo tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh: WHO cảnh báo năm 2024 có nguy cơ bùng phát dịch bệnh Sởi (diễn biến theo chu kỳ 3-4 năm), trong 6 tháng đầu năm 2024 số ca bệnh sởi có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó bệnh Bạch Hầu, Ho gà, Viêm não cũng tiềm ẩn nguy cơ bùng phát do thiếu vắc xin. Mặt khác, do ảnh hưởng của biến đổi môi trường, khí hậu, sự gia tăng giao lưu đi lại của người dân, tình hình bệnh truyền nhiễm diễn biến khó lường dẫn đến nguy cơ các bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi xuất hiện, xâm nhập và lây lan trên địa bàn tỉnh.

                                            BSCKII. Nguyễn Thế Phong - Phó Giám đốc Sở Y tế kết luận tại Hội nghị

Kết luận Hội nghị, BSCKII. Nguyễn Thế Phong - Phó Giám đốc Sở Y tế đề nghị các đơn vị thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và UBND tỉnh và Sở Y tế về công tác phòng chống dịch bệnh và tiêm chủng mở rộng; theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn; thường xuyên phân tích, đánh giá, dự báo tình hình dịch bệnh; khắc phục kịp thời các khó khăn, hạn chế, chủ động tham mưu với cấp ủy chính quyền địa phương, phối hợp với đơn vị liên quan trong việc giám sát ca bệnh đầu tiên tại cộng đồng. Về công tác TCMR, các huyện chủ động nhằm đảm bảo tiến độ tiêm chủng, đảm bảo an toàn trong TCMR. Bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh để dự báo, tham mưu và xây dựng kế hoạch ứng phó với các tình huống của dịch bệnh, TCMR. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổng hợp nhu cầu đào tạo chuyên môn của các huyện để báo cáo Sở Y tế thực hiện kịp thời...


Tác giả: Mai Hoa
Nguồn:Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lai Châu Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE