• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH LAI CHÂU
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Viện Dinh dưỡng giám sát hoạt động cải thiện dinh dưỡng tại tỉnh Lai Châu

Ngày 24/3, đoàn công tác của Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) do PGS.TS. Trương Tuyết Mai - Phó Viện trưởng làm trưởng đoàn đã đến Giám sát hoạt động Cải thiện dinh dưỡng thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững tại tỉnh Lai Châu. Tới dự có BSCKII. Nguyễn Thế Phong - Phó Giám đốc Sở Y tế; đại diện Sở Lao động Thương binh và xã hội; BSCKI. Trần Đỗ Kiên - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; đại diện các khoa, phòng liên quan thuộc Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

                                         Quang cảnh buổi làm việc Tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Trong năm 2022, Sở Y tế đã phối hợp với các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch và thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia. Triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, bà mẹ nuôi con dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng; nuôi con bằng sữa mẹ, hướng dẫn cho trẻ ăn bổ sung hợp lý; triển khai các can thiệp phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em (SDDTE) đạt kết quả đáng ghi nhận: Tỷ lệ SDDTE dưới 5 tuổi (cân nặng/tuổi) đạt 17,80%, đạt chỉ tiêu kế hoạch giao, giảm 0,91% so với năm 2021; tỷ lệ SDDTE dưới 5 tuổi (chiều cao/tuổi), đạt 24,15%, giảm 1,71% so với năm 2021. Tỷ lệ trẻ được bú mẹ trong vòng 1 giờ đầu sau sinh, đạt 65,86%; tỷ lệ trẻ dưới 6 tháng tuổi được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ đạt 65,9%... Số trẻ từ 6 - 60 tháng tuổi được uống bổ sung Vitamin A đợt I, đạt 98,2%; tỷ lệ bà mẹ sau đẻ trong vòng 1 tháng được uống Vitamin A đợt I, đạt 91,7%; số trẻ từ 24 - 60 tháng tuổi được uống thuốc tẩy giun đủ liều 2 lần/năm, đạt 98,85%. Số phụ nữ từ khi phát hiện mang thai đến sau sinh 1 tháng được uống viên đa vi chất tại 4 huyện nghèo (Phong Thổ, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Mường Tè), đạt 89,0%... 100% cán bộ chuyên trách dinh dưỡng tuyến tỉnh được tập huấn về dinh dưỡng. Tổ chức các hoạt động hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho tuyến xã để thực hiện các can thiệp về chăm sóc sức khỏe và dinh dương cho bà mẹ, trẻ em tại khu vực III với 50/50 xã, đạt 100%. Chăm sóc dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời cho bà mẹ, trẻ em nhỏ, lồng ghép trong chăm sóc trước, trong và sau sinh nhằm nâng cao tầm vóc, thể lực cho người dân tộc thiểu số.

                      PGS.TS. Trương Tuyết Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng phát biểu tại buổi làm việc với xã Khổng Lào, huyện Phong Thổ

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn tồn tại một số khó khăn như: Không có kinh phí triển khai hoạt động, chủ yếu lồng ghép với các Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số nên chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động của chương trình; kinh phí Chương trình giảm nghèo bền vững chuyển thẳng về UBND huyện, Sở Y tế chỉ được giao nhiệm vụ giám sát nên khó khăn trong việc chỉ đạo về chuyên môn và giám sát; Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triền kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gặp khó khăn trong việc lựa chọn viên đa vi chất cho phụ nữ có thai và sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em...

                      Đoàn công tác thăm, tặng quà cho các hộ gia đình có trẻ bị suy dinh dưỡng trên địa bàn xã Khổng Lào, huyện Phong Thổ

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận, tham gia ý kiến tập trung vào các vấn đề nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững thuộc lĩnh vực y tế trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là Chương trình cải thiện dinh dưỡng: Tập huấn, cập nhật kiến thức chuyên môn về chương trình dinh dưỡng, kỹ năng giáo dục truyền thông cho địa phương, bổ sung nguồn kinh phí hoạt động chương trình dinh dưỡng…

Phát biểu kết luận, Phó Viện trưởng Trương Tuyết Mai đã biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao các kết quả đã đạt được của tỉnh trong việc thực hiện chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng và các Chương trình mục tiêu Quốc gia để can thiệp tình trạng SDDTE dưới 5 tuổi trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đề nghị Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể tại địa phương trong việc thực hiện chương trình, bám sát vào tình hình thực tế của địa phương để xây dựng các hoạt động phù hợp; chủ động tham mưu việc tập huấn đào tạo cho cán bộ làm chương trình dinh dưỡng và nhân viên y tế thôn bản; phân bổ kinh phí của Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững cho ngành Y tế. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật chủ động trong việc cử cán bộ tham gia tập huấn đầy đủ khi Trung ương tổ chức. Đối với các kiến nghị của tỉnh, Viện Dinh dưỡng nhất trí và sẽ có ý kiến với Bộ Y tế để có các điều chỉnh hướng dẫn triển khai chương trình cho phù hợp với tình hình cụ thể của từng vùng, từng tỉnh; Viện Dinh dưỡng sẵn sàng hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật cho tỉnh nếu tỉnh có đề xuất.

Trước đó, Đoàn công tác đã đến làm việc tại Trạm Y tế xã Khổng Lào, huyện Phong Thổ; thăm, giám sát, đánh giá và tư vấn dinh dưỡng cho một số hộ gia đình có trẻ suy dinh dưỡng. Nhân dịp này, Đoàn đã đi thăm hộ gia đình và tặng quà cho các cháu bị suy dinh dưỡng trên địa bàn xã.                                                                                                                               


Tác giả: Hồng Thơm
Nguồn:Sở Y tế Lai Châu Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE