ĐOÀN CÔNG TÁC CỦA BỘ Y TẾ PHỐI HỢP VỚI QUỸ DÂN SỐ LIÊN HỢP QUỐC (UNFPA) VÀ QUỸ MSD LÀM VIỆC VỚI SỞ Y TẾ LAI CHÂU
Ngày 4/4, Đoàn công tác của Bộ Y tế phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Quỹ MSD do bà Trần Thị Bích Loan - Phó Cục trưởng Cục Bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế) làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với Sở Y tế Lai Châu về công tác Chăm sóc sức khoẻ Bà mẹ và trẻ em trên địa bàn tỉnh.
Tham gia đoàn công tác có ông Matt Jackson - Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA); Quỹ MSD; Chuyên viên, các cán bộ UNFPA tại Việt Nam cùng các đơn vị liên quan.
Tiếp đoàn công tác có BSCKII. Nguyễn Thế Phong - Phó Giám đốc Sở Y tế; đại diện lãnh đạo: Phòng Nghiệp vụ Y, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và viên chức Khoa Sức khoẻ sinh sản.
Quang cảnh buổi làm việc
Thời gian qua, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, trực tiếp của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự chỉ đạo về chuyên môn của Bộ Y tế, Vụ Bà mẹ và trẻ em, sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước đặc biệt là của Quỹ Dân số Liên Hợp quốc. Chương trình Chăm sóc sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã từng bước được cải thiện và đạt được kết quả đáng khích lệ cụ thể: Năm 2024, tổng số phụ nữ được khám phụ khoa 56.373 lượt, điều trị phụ khoa 15.281lượt; tỷ suất tử vong trẻ em <1 tuổi trên 1.000 trẻ đẻ sống 20,31‰, tỷ suất tử vong trẻ em <5 tuổi trên 1.000 trẻ đẻ sống 25,96 ‰; tỷ lệ phụ nữ đẻ được quản lý thai đạt 94%; số phụ nữ đẻ được khám thai ít nhất ba lần trong 3 thời kỳ thai nghén đạt hơn 75,7%; số phụ nữ đẻ được cán bộ y tế có kỹ năng đỡ đạt hơn 78%; tỷ lệ phụ nữ đẻ được chăm sóc sau sinh đạt hơn 83,3%... Giai đoạn năm 2022 - 2024, Tổ chức Hội thảo giám sát tử vong mẹ và đáp ứng tại tỉnh; đào tạo kíp phẫu thuật sản khoa; tập huấn về “Truyền thông thay đổi hành vi làm mẹ an toàn” tại các xã thuộc dự án... Các hoạt động cung cấp dịch vụ truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ KHHGĐ, hoạt động truyền thông thay đổi hành vi đều thực hiện hiệu quả. Tổ chức giám sát hỗ trợ chuyên môn và trợ giúp kỹ thuật để nâng cao và duy trì chuyên môn về làm mẹ an toàn và chất lượng dịch vụ KHHGĐ các Trạm Y tế xã và cô đỡ thôn bản…
Bà Trần Thị Bích Loan - Phó Cục trưởng Cục Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Bên cạnh những chuyển biến tích cực nêu trên, công tác Chăm sóc sức khoẻ Bà mẹ và Trẻ em, Kế hoạch hóa gia đình của tỉnh vẫn còn gặp không ít khó khăn, hạn chế: Do địa bàn triển khai hoạt động rộng, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa lũ, kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, thiếu các phương tiện di chuyển tới các cơ sở y tế điều này gây ảnh hưởng lớn cho việc tiếp cận các dịch vụ y tế một cách chủ động. Kiến thức, thực hành về chăm sóc sức khỏe sinh sản, làm mẹ an toàn còn hạn chế do trình độ dân trí thấp không chủ động trong việc tiếp cận các thông tin về chăm sóc sức khỏe. Phong tục tập quán lạc hậu còn tồn tại ở một số dân tộc ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe bà mẹ và trẻ em như tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết, sinh con tại nhà, đẻ nhiều, đẻ dày, tỷ lệ sinh tại nhà, kiêng cữ sau sinh không đúng cách, bất đồng ngôn ngữ khó khăn trong việc giao tiếp gây khó khăn trong việc truyền thông tư vấn sức khỏe, người dân ở diện đói nghèo cao thiếu khả năng chi trả các dịch vụ chăm sóc y tế... Thiếu cán bộ có chuyên môn sâu về sản khoa tại các tuyến chưa đáp ứng được các dịch vụ cấp cứu tại tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là vùng sâu vùng xa. Trang thiết bị tại một số cơ sở Y tế còn thiếu và chưa đồng bộ chưa đáp ứng được một số dịch vụ của chương trình. Nguồn ngân sách địa phương eo hẹp nên việc bố trí kinh phí cho các hoạt động này còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ...
Ông Matt Jackson, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam phát biểu
Phát biểu tại buổi làm việc, BSCKII. Nguyễn Thế Phong mong muốn Bộ Y tế, Quỹ Dân số Liên hợp quốc và Quỹ MSD, tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ ngành Y tế tỉnh Lai Châu được tiếp nhận các Dự án đầu tư phát triển hệ thống y tế, các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các đơn vị y tế của tỉnh để nâng cao hơn nữa chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ kinh phí tập huấn cập nhật về đào tạo, tập huấn cho cán bộ y tế, cô đỡ thôn bản, y tế thôn bản về kỹ năng đỡ đẻ, chăm sóc sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, chăm sóc sơ sinh và chăm sóc trẻ nhỏ, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số của tỉnh.
BSCKII. Nguyễn Thế Phong - Phó Giám đốc Sở Y tế phát biểu tại buổi làm việc
Đoàn giám sát cho rằng: Để tiếp tục triển khai đồng bộ có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, kế hoạch về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân nói chung và công tác Chăm sóc sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em nói riêng, ngành Y tế Lai Châu cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe của bà mẹ và phụ nữ độ tuổi sinh đẻ; tập trung vào giảm tử vong mẹ, giảm tử vong trẻ em, đặc biệt ưu tiên vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện đầy đủ chính sách phụ cấp, sử dụng hiệu quả đội ngũ cô đỡ thôn, bản để tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ này hoạt động hiệu quả, tiếp tục góp phần quan trọng trong công tác Chăm sóc sức khỏe Bà mẹ, Trẻ em ở đồng bào các dân tộc vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Nhân dịp này Đoàn cũng đã tặng quà cho Sở Y tế Lai Châu và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
Đoàn Giám sát tặng quà cho Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh