• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH LAI CHÂU
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng bệnh truyền nhiễm cho học sinh đón năm học mới

 

Theo lịch tựu trường năm học mới 2023-2024 thì chỉ còn vài tuần nữa là các em học sinh sẽ đồng loạt khai giảng. Đầu năm học mới là thời điểm các bệnh như: Tay chân miệng, thủy đậu và một số bệnh truyền nhiễm khác rất dễ bùng phát và lây lan tại trường học, không ít phụ huynh lo con sẽ mắc bệnh. Theo các chuyên gia y tế, do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, mầm non, tiểu học rất nhạy cảm với các bệnh truyền nhiễm.

Chị Nguyễn Thị Yến, Phường Tân Phong (Thành phố Lai Châu) cho biết: Con gái chị sức đề kháng kém nên hay bị cảm cúm, do đó khi đi học thường dễ bị lây bệnh từ các bạn. Mỗi lần lớp học có học sinh bị cảm cúm thì cháu cũng dễ bị lây. Vì vậy, cháu ảnh hưởng đến sức khoẻ và học tập. Do đó, tôi đã quyết định tiêm vắc xin phòng cúm cho cháu để vào năm học, cháu có sức khoẻ tốt hơn.

Bác sỹ Bùi Thị Hiền - Phó Trưởng khoa truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Khi học sinh bắt đầu bước vào năm học mới cũng là thời điểm thời tiết thay đổi thất thường, thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus phát triển, lây lan nhanh và bùng phát thành dịch đe dọa sức khỏe của trẻ. Mặt khác, đối với học sinh, nhất là các cháu trong độ tuổi mầm non và tiểu học trong những ngày đầu nhập trường chưa kịp làm quen với môi trường mới, nên giờ giấc sinh hoạt, ăn uống, vui chơi bị đảo lộn. Trẻ mới học mẫu giáo quấy khóc nhiều, ăn uống không hợp… sức đề kháng giảm sút nên rất dễ bị các loại vi khuẩn tấn công, nguy cơ nhiễm bệnh là rất lớn.

 

 

                                  Phụ huynh cần cho trẻ đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch các loại vắc xin để phòng bệnh truyền nhiễm

Trẻ đến trường thường cần lưu ý các bệnh thường gặp và nguy cơ lây lan cao trong trường học gồm các bệnh lây qua đường hô hấp như: COVID-19, cúm, sởi, rubella; các bệnh lây qua đường tiêu hóa như: Tả, lỵ, thương hàn, rota virut; các bệnh lây qua giọt bắn, tiếp xúc như tay chân miệng, thủy đậu; hoặc các bệnh do muỗi truyền như sốt xuất huyết, viêm não nhật bản…

Theo đó, khi trẻ mắc các bệnh đường hô hấp như cúm, về lâu dài, nếu không điều trị hoặc điều trị không kịp thời có thể diễn biến nặng hơn như: Viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Hiện nay, các căn bệnh nguy hiểm như cúm, thủy đậu, viêm màng não, sởi… đã có vắc xin phòng ngừa hiệu quả. Do đó, phụ huynh nên cho trẻ tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, đặc biệt là vắc xin phòng cúm mùa và viêm màng não do não mô cầu… trước khi trẻ quay trở lại trường học để phòng bệnh. Khi đưa con đi tiêm vắc xin phòng bệnh hoặc tiêm cho chính bản thân mình, phụ huynh cần cung cấp đầy đủ tất cả thông tin về các lần tiêm chủng trước cũng như tình trạng sức khỏe. Đây là những thông tin cần thiết giúp bác sĩ có thể đưa ra những tư vấn, chỉ định tiêm vắc xin phù hợp với mình cũng như con em mình.

Bên cạnh việc cho con đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các loại vắc xin phòng bệnh, các phụ huynh nên chú trọng vệ sinh đường hô hấp cho trẻ như nhỏ nước mũi, súc miệng nước muối, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân, khu vực sinh sống thoáng mát, sạch sẽ… Cần trang bị cho trẻ một hệ miễn dịch khỏe mạnh như: Dinh dưỡng hợp lý, vận động phù hợp và sử dụng các loại thuốc tăng cường miễn dịch theo chỉ dẫn của bác sĩ. Khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, phụ huynh nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời

    


Tác giả: Hồng Thơm
Nguồn:Sở Y tế Lai Châu Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE