• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH LAI CHÂU
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội thảo công bố tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng

Chiều 29/10, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo công bố tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. GS. TS. Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì Hội thảo; tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo: Quốc Hội, Chính phủ, các Bộ, đơn vị trực thuộc Bộ y tế và trực tuyến tại 63 điểm cầu của  Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Điểm cầu Sở Y tế tỉnh Lai Châu có đại diện lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và đại diện các đơn vị y tế tuyến tỉnh tham dự.

                                         Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Lai Châu

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết: Năm 2024, Bộ Y tế chủ trì phối hợp nghiên cứu, công bố chính thức tác hại của các loại thuốc mới. Bộ Y tế đã giao Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Viện chiến lược chính sách y tế… tổng hợp và phân tích các nghiên cứu, báo cáo của quốc tế và trong nước về tác hại của thuốc lá mới để đề xuất các biện pháp ngăn chặn thuốc lá mới”. Theo đó, sau hơn 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, triển khai các biện pháp kiểm soát, tỷ lệ sử dụng thuốc có giảm nhưng chậm. Số liệu năm 2021 cho thấy, tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc vấn ở mức cao là 41,1%; ở cả nam và nữ là 20,48%. Việt Nam vẫn thuộc quốc gia có tỷ lệ hút thuốc lá cao trên thế giới.

Việc hút thuốc lá chủ động và cả thụ động (hít phải khói thuốc) là nguy cơ gia tăng các bệnh không lây nhiễm, gây tử vong hàng đầu. Đáng chú ý, trong những năm gần đây, bên cạnh thuốc lá truyền thống, trên thị trường xuất hiện các loại thuốc lá mới gồm: thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và sản phẩm lai giữa 2 loại này. Mặc dù chưa dc phép nhập khẩu, bán và quảng cáo nhưng tình hình sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới vẫn đáng lo ngại, nhất là ở các khu vực thành thị.

Bộ Y tế công bố tác hại đối với sức khỏe của thuốc lá điện tử bao gồm các tác hại cấp tính như: Hút thuốc lá có thể dẫn đến tổn thương phổi cấp có thể dẫn đến tử vong (EVALI), bị thương và bỏng do nổ pin và cháy thiết bị và ngộ độc do quá liều nicotin và ngộ độ các chất ma túy được pha trộn vào dung dịch thuốc lá điện tử. Hút thuốc lá điện tử có thể gây các bệnh về hô hấp, tim mạch, ung thư, bệnh răng miệng; đặc biệt phụ nữ mang thai hút thuốc lá điện tử có thể gây nguy hiểm cho thai nhi (gây hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh hay những dị tật thính giác và béo phì ở trẻ em, giãn phế quản ở trẻ sơ sinh).

Các vấn đề sức khỏe khác liên quan đến hút thuốc lá điện tử như: Đau đầu, ho, mất ngủ, suy nhược, đau ngực ở người sử dụng là người trẻ tuổi; kích ứng cổ họng, ho, chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn; trầm cảm, lo âu, bốc đồng… Đặc biệt, thuốc lá điện tử chứa nicotine - chất gây nghiện mạnh, có hại cho sự phát triển não bộ thanh thiếu niên dưới 25 tuổi. Nicotine ảnh hưởng xấu đến sự hình thành các khớp thần kinh (Synapse), gây ra vấn đề về trí nhớ, tập trung, học tập, tự chủ và rối loạn tâm trạng. Hậu quả lâu dài nghiêm trọng bao gồm nghiện, có thể dẫn đến rối loạn nhận thức, cảm xúc, giảm khả năng tập trung, học tập; liên quan đến các rối loạn tâm thần.

Với thuốc lá nung nóng, khói tỏa từ các sản phẩm thuốc này có thành phần rất giống với khói tỏa của thuốc lá điếu, có chứa nhiều chất độc có khả năng gây ra nhiều bệnh như: Hô hấp, tim mạch, ung thư; bệnh về hệ thần kinh, hệ sinh sản, trí não, ảnh hưởng đến sức khỏe phụ nữ mang thai, trẻ em, vị thành niên. Người hút thuốc lá nung nóng có thể dẫn tới các ảnh hưởng liên quan đến suy yếu khả năng sống của tế bào tiền tạo xương và quá trình chữa lành gãy xương, làm giảm khả năng miễn dịch và tăng viêm nhiễm, có khả năng gây độc tế bào, có liên quan đến bệnh viêm da dị ứng, các bệnh viêm nhiễm, ố răng miệng...

Tiến sĩ Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục quản lý khám, chữa bệnh cho biết, theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá khoảng 108.000 tỷ đồng/năm. Chỉ trong vòng 2 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13-15 tuổi đã gia tăng một cách đáng kể (từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023). Ở người trên 15 tuổi, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử cũng tập trung cao ở nhóm tuổi trẻ. Nhóm 15 - 24 tuổi là 7,3%; nhóm tuổi 25 - 44 là 3,2%; nhóm 45 - 64 tuổi là 1,4%.

Qua tổng hợp báo cáo của gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho thấy, chỉ tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Cũng trong năm 2022 và 2023, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận gần 130 trường hợp nhập viện bị ngộ độc sau khi sử dụng thuốc lá điện tử… Triệu chứng khi nhập viện chủ yếu do: Dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp. Theo Cục trưởng Cục quản lý khám, chữa bệnh, không có một sản phẩm thuốc lá nào an toàn cho sức khỏe do đó ông đề xuất Quốc hội kịp thời ban hành quy định để cấm toàn diện các sản phẩm trên.

Về tác động đến trật tự xã hội, Thượng tá Nguyễn Duy Trung, - Phó Trưởng phòng 5, Cục Phòng, chống tội phạm, Bộ Công an cảnh báo: “Qua theo dõi của Bộ Công an, những năm gần đây, tình trạng mua bán, sử dụng thuốc lá điện tử thế hệ mới và thuốc lá điện tử có pha tẩm ma túy trên thế giới và ở Việt Nam diễn biến rất phức tạp, nhất là trên không gian mạng, các sàn thương mại điện tử. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng Công an cả nước đã phát hiện, bắt giữ, khởi tố 35 vụ; xử lý 24 vụ, 31 đối tượng liên quan đến mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng thuốc lá điện tử có chứa chất ma túy”.

Với những bằng chứng về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Bộ Y tế đề xuất, trước mắt Quốc hội cần ban hành Nghị quyết cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối, bán và quảng cáo, khuyến mại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ở tất cả các dạng. Trong thời gian tới, các quy định này cần được nghiên cứu luật định khi sửa Luật phòng chống tác hại của thuốc lá.

 Bên cạnh đó, Chính phủ quy định trách nhiệm của các bộ, ngành liên ngành và cộng đồng trong tăng cường hiệu lực thực thi quy định cấm. Vận dụng kinh nghiệm thành công và chưa thành công của một số quốc gia trong khu vực và quốc tế trong thực thi quy định ngăn chặn thuốc lá mới, cần thực hiện các biện pháp như: Truyền thông, giáo dục; quy định các biện pháp thực thi nhằm ngăn chặn việc mua bán, cung cấp, nhập lậu và quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và thuốc lá mới khác. Cần triển khai việc hỗ trợ cai nghiện cho người sử dụng, thiết kế dịch vụ hỗ trợ cai nghiện phù hợp cho vị thành niên, thanh niên sử dụng thuốc lá mới nhằm giảm thiểu nguy cơ và tác hại nghiêm trọng của nghiện nicotine ở vị thành niên và thanh niên…                          


Tác giả: Hồng Thơm - Nguyễn Thúy
Nguồn:Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lai Châu Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE