• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH LAI CHÂU
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị trực tuyến về chủ động ứng phó và xử lý dịch COVID-19 trong tình huống khẩn cấp

Chiều 11/5, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến về chủ động ứng phó và xử lý dịch COVID-19 trong tình huống khẩn cấp. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chủ trì hội nghị. 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nêu rõ, thời gian gần đây dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức nghiêm trọng. Chỉ trong vòng 2 tuần, nhiều tỉnh đã có dịch, một số bệnh viện đã có người bệnh, người nhà và nhân viên y tế mắc COVID-19, trong đó có chủng virus biến thể “siêu lây nhiễm” xuất hiện lần đầu ở Anh, Ấn Độ, nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao. 

                    Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Sở Y tế Lai Châu

Bộ Y tế đã ban hành Công điện 615/CĐ-BYT ngày 06/5/2021 về việc nâng mức cảnh báo chống dịch cao nhất và chủ động xét nghiệm COVID-19 tại các bệnh viện, Công điện 628/CĐ-BCĐQG ngày 10/5/2021 về việc khẩn trương thực hiện giãn cách và tăng cường xét nghiệm tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, trường đại học và tuyến cuối, Công văn số 3775/BYT-KCB ngày 06/5/2021 về việc tăng cường phòng chống dịch COVID-19 trong các cơ sở khám bênh, chữa bệnh. Các văn bản này là hướng dẫn quan trọng trong giai đoạn hiện nay. 

Hội nghị cho biết: Với các chủng mới từ Anh và Ấn Độ, dịch bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh trong giai đoạn này. Việc xuất hiện dịch ở bệnh viện tuyến Trung ương: Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện K là nguyên nhân dẫn đến tình trạng dịch lan rộng do các bệnh nhân đến khám bệnh và trở về địa phương. Tình hình dịch đang rất phức tạp và hiện đã xác định được 4 nhóm phát sinh dịch. Vì vậy, Bộ Y tế đã nâng mức cảnh báo chống dịch cao nhất và yêu cầu chủ động xét nghiệm COVID-19 tại các bệnh viện. Các bệnh viện sẵn sàng phương án ứng phó trong tình huống có ca bệnh xâm nhập; tập trung thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế, không để lây lan dịch bệnh, nếu không sẽ rất khó khăn trong công tác phòng, chống dịch. 

Hội nghị cũng chỉ ra những hạn chế của một số bệnh viện hiện nay là vấn đề thông khí, việc tuân thủ đúng quy định về phòng, chống dịch như vệ sinh tay, đeo khẩu trang, giãn cách... Đề nghị các Sở Y tế thực hiện nghiêm các chỉ đạo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế, chọn ít nhất một cơ sở làm địa điểm điều trị bệnh nhân COVID-19. Việc chọn một đơn vị điều trị tập trung sẽ góp phần giảm nguồn lực chăm sóc bệnh nhân, giảm chi phí, tiêu hao trang thiết bị, khẩu trang chuyên dụng, bộ đồ bảo hộ. Các địa phương phải có phương án chủ động để khi có dịch xảy ra bệnh viện đi vào hoạt động được luôn. Bên cạnh đó, cần tăng cường tập huấn, đánh giá thực hành phòng chống lây nhiễm. Các đồng chí lãnh đạo Sở Y tế cần trực tiếp đi kiểm tra các bệnh viện có nguy cơ lây nhiễm cao. Đồng thời tập trung triển khai bệnh viện, phòng khám an toàn, kiên quyết đóng cửa các cơ sở y tế không đạt các điều kiện về an toàn. 

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung trao đổi về các nội dung: Giãn cách và cách ly trong bệnh viện; Bệnh viện dã chiến; Chiến lược về xét nghiệm; Kiểm soát nhiễm khuẩn; An toàn tiêm chủng vaccine. 

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn yêu cầu các cơ quan Bộ Y tế bên cạnh việc theo dõi, giám sát việc chấp hành công điện của Chính phủ, Ban chỉ đạo phòng chống dịch, Bộ Y tế tại các cơ sở, cần đặc biệt xây dựng phương án tổng thể đối phó kịch bản Việt Nam có 30.000 ca nhiễm COVID-19. Tiếp tục triển khai đảm bảo an toàn trong tiêm chủng vắc xin. Ngoài ra, các địa phương cần tập huấn, xây dựng và tổ chức phương án xét nghiệm, trường hợp xét nghiệm gộp mẫu, trường hợp nào xét nghiệm test nhanh… Hướng dẫn các địa phương đảm bảo nguồn kinh phí phục vụ cho công tác chống dịch. Sở Y tế các tỉnh cần xây dựng các phương án ứng phó như trong trường hợp không có dịch, có ca lẻ tẻ, hoặc dịch lan rộng. Tuy nhiên chống dịch không được cực đoan, ảnh hưởng đến đời sống người dân và sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Về việc chuẩn bị xây dựng bệnh viện dã chiến, các Sở Y tế nên chủ động đề xuất với địa phương, sẵn sàng nhân lực trang thiết bị, thuốc theo tinh thần 4 tại chỗ.


Tác giả: Mai Hoa - Phương Thúy
Nguồn:Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lai Châu Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE