• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH LAI CHÂU
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cán bộ y tế dự phòng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19

Cán bộ y tế dự phòng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 Là những y, bác sỹ tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, cùng đồng hành với những y, bác sĩ trực tiếp thăm khám, chữa trị cho người bệnh thì những cán bộ y tế làm công tác dự phòng cũng vất vả, hiểm nguy không kém. Bên cạnh việc phải đến từng tổ dân phố, bản, vào từng hộ gia đình hướng dẫn người dân cách phòng bệnh thì họ cũng là những người phải trực tiếp đi vào vùng dịch và tiếp xúc với người bệnh. 

Ngay sau khi tỉnh Lai Châu xác nhận có ca bệnh dương tính với Covid-19 trên địa bàn tỉnh vào 17h30 ngày 24/3, dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của tỉnh, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức triển khai việc điều tra, xác minh các trường hợp tiếp xúc có liên quan đến ca bệnh xác định (từ F1-F4), tổ chức cách ly, lấy mẫu theo quy định. Để điều tra, làm rõ căn nguyên, giúp khoanh vùng các ca bệnh nghi ngờ và các trường hợp có tiếp xúc gần, thực hiện cách ly theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, các cán bộ, nhân viên y tế Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Khoa Xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tiến hành điều tra, giám sát và lấy mẫu bệnh phẩm ngay trong đêm tối ngày 24/3, đáp ứng nhanh cho việc chẩn đoán bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Những người đảm nhận nhiệm vụ này phải đến tận vùng dịch, tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, người có nghi ngờ mắc bệnh. 

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh điều tra, xác minh các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân mắc Covid-19

Kỹ thuật viên Nguyễn Thị Dung - Khoa Xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Ngay khi có dịch, cán bộ trong khoa đã thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm để phục vụ cho công tác chẩn đoán. Với nguy cơ lây nhiễm rất cao, chúng tôi phải luôn cẩn thận, tuân thủ đúng theo hướng dẫn từ khâu lấy mẫu đến bảo quản và vận chuyển. Bất cứ thời gian nào chúng tôi đều thực hiện lấy mẫu, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch được kịp thời, không để dịch lan rộng”. 

Cùng đồng hành với đội ngũ trực tiếp tiếp xúc với người nghi nhiễm, các mẫu bệnh phẩm là lực lượng làm công tác khử khuẩn, sau mỗi ca điều tra, lấy mẫu, đều phải được phun khử khuẩn làm sạch môi trường tại nơi đó tránh để lại mầm bệnh. Khi có ca bệnh đầu tiên trong nước, Trung tâm tổ chức phun khử khuẩn tại các bến xe, trường học, khu chợ để phòng dịch. Ngay sau khi có ca bệnh xảy ra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức phun khử khuẩn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, khu vực khoanh vùng kiểm soát, Trung tâm hành chính công của tỉnh, Trụ sở hợp khối các cơ quan tỉnh và một số nơi có các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh xác định. Đội phun khử khuẩn của trung tâm luôn phải hoạt động hết công suất. 

Bác sỹ Bùi Thị Hiền, Phó Trưởng Khoa phòng, chống bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Từ ngày mùng 2 tết, cán bộ Khoa đã thay phiên nhau thường trực để báo cáo dịch và trực điện thoại đường dây nóng, xây dựng kế hoạch, tham mưu kịp thời với Ban Giám đốc Trung tâm chuẩn bị vật tư, phương án để phòng chống dịch. Ngay khi có ca bệnh, chúng tôi thực hiện các phương án đã chuẩn bị, tất cả cán bộ trong khoa đều ở lại thường trực 24/24 giờ, kịp thời điều tra, lấy mẫu khi có ca bệnh nghi ngờ”. 

          Lấy mẫu xét nghiệm cho trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19

BSCKI. Trần Bá Hướng - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Là đơn vị trực tiếp tham gia khám phân loại và lấy mẫu xét nghiệm những ca nghi ngờ cao, chúng tôi cũng rất chia sẻ với đội ngũ bác sĩ làm công tác dự phòng, không quản ngày đêm, mưa gió, trong đó có rất nhiều đồng chí là nữ, con nhỏ nhưng vẫn phải trực dịch 24/24h. Khi có ca bệnh, Trung tâm đã tập trung mọi nguồn lực, kích hoạt các tổ tham mưu, giúp việc và đội phản ứng nhanh để thực hiện giám sát, hướng dẫn, tổ chức các hoạt động phòng, chống dịch, sẵn sàng lên đường mỗi khi địa phương, đơn vị báo có ca bệnh nghi ngờ. Thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh và của Sở Y tế". 

“Phòng bệnh hơn chữa bệnh, chủ động, sẵn sàng trong mọi tình huống, hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh có thể xảy ra, bảo vệ tốt nhất sức khỏe cho Nhân dân trên địa bàn” là tôn chỉ, mục đích mà những cán bộ, nhân viên y tế Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh luôn đặt lên hàng đầu, ưu tiên thực hiện. Những cán bộ y tế dự phòng vẫn ngày đêm lặng thầm cống hiến, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cho Nhân dân. 


Tác giả: Mai Hoa - Nguyễn Hằng
Nguồn:Trung tâm kiểm soát bệnh tật Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE