Rước họa do tự ý sử dụng lại toa thuốc
Toa thuốc do bác sĩ kê chỉ có giá trị một lần tại thời điểm kê toa. Tuy nhiên, hiện nhiều người sau khi được bác sĩ chữa khỏi bệnh một thời gian, bệnh tái phát với các triệu chứng giống như trước, đã tự ý dùng lại toa thuốc cũ.
Thậm chí, có người còn sử dụng toa thuốc của người khác khi thấy có tiền sử bệnh giống nhau, thay vì đi khám để được bác sĩ chẩn đoán và chỉ định thuốc. Tình trạng này đã để lại hậu quả khôn lường.
Rước họa do tự ý sử dụng lại toa thuốc
Dược sĩ tư vấn cho người dân sử dụng thuốc an toàn. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Đừng làm thay bác sĩ
Mới đây, Bệnh viện (BV) Da liễu TPHCM tiếp nhận bệnh nhân N.L.A. (47 tuổi, ngụ tỉnh Đắk Lắk) nhập viện trong tình trạng đỏ da tróc vảy toàn thân; các khớp chân, tay, gối sưng to, biến dạng.
Theo lời kể của bệnh nhân, lúc đầu những mảng da bị bong tróc ở tay, nghĩ là bệnh viêm da thông thường như trước nên đã lấy toa thuốc cũ để mua về uống. Khi dùng được một tháng thì bệnh phát nặng hơn, toàn thân sưng đỏ, các khớp sưng to.
Anh A. đến BV Da liễu thì bác sĩ xác định anh bị vảy nến chứ không phải mắc bệnh chàm như trước… BV Da liễu thường xuyên tiếp nhận nhiều trường hợp đến khám viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang, nhưng trước khi đến BV, phần lớn đều đã tự ý mua thuốc bên ngoài và lầm tưởng là bệnh zona.
Theo các chuyên gia y tế, tình trạng tái sử dụng toa thuốc cũng là thói quen thường gặp ở nhiều bậc phụ huynh. Thậm chí nhiều bà mẹ còn tin vào những hội nhóm trên mạng xã hội, tin những “bác sĩ Google” để tìm các bài thuốc chữa bệnh cho con.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng phòng Công tác xã hội, BV Nhi đồng 1, cho biết tỷ lệ phụ huynh tự ý sử dụng kháng sinh cho trẻ tại nhà trước khi đưa tới BV chiếm từ 80% - 90%.
“Việc tự ý sử dụng thuốc có thể đẩy trẻ vào trạng thái nguy hiểm. Rất nhiều bệnh như sởi, sởi cấp tính ở trẻ em, bệnh viêm màng não, viêm cơ tim do virus... có triệu chứng khởi đầu giống bị cảm, nếu không phát hiện kịp thời, sẽ kéo dài thời gian điều trị của bé, thậm chí có nguy cơ tử vong”- bác sĩ Trương Hữu Khanh cho hay.
Theo các chuyên gia y tế, người dân cần cảnh giác và thận trọng trong việc thu thập những thông tin về sức khỏe, bài thuốc, toa thuốc sưu tầm trên các trang mạng xã hội.
Việc tự dùng thuốc, sử dụng toa thuốc của người khác áp dụng cho mình là rất nguy hiểm, có thể làm bệnh nhẹ trở thành nặng hơn vì không được chữa trị bằng thuốc đúng cách. Mỗi toa thuốc chỉ dành cho một cá nhân cụ thể, dùng trong thời điểm cụ thể.
Bác sĩ Nguyễn Khắc Vui, Phó Giám đốc BV Đa khoa Sài Gòn, cho hay thuốc uống dù đúng bệnh, nhưng phải có liều lượng nhất định, sử dụng đúng lứa tuổi, cân nặng, kể cả thuốc bổ.
Nếu uống quá liều lượng sẽ làm trầm trọng bệnh, gây ra bệnh khác. Kể cả thuốc bôi da cũng phải sử dụng theo đúng lứa tuổi. Bởi cùng một bệnh, nhưng đối với trẻ em và người lớn bôi thuốc khác nhau. Hơn nữa, cùng một bệnh, nhưng tùy vào vị trí tổn thương trên cơ thể mà bác sĩ chỉ định các loại thuốc bôi khác nhau.
“Để kê toa không phải chuyện đơn giản. Đó là kết quả của quá trình thăm khám - chẩn đoán - đưa ra phác đồ điều trị và phải được thực hiện bởi người có chuyên môn. Chính vì vậy, khi bị bệnh, người dân bắt buộc phải đến các cơ sở y tế để được bác sĩ có chuyên môn khám và chỉ định điều trị cụ thể, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra”, bác sĩ Nguyễn Khắc Vui khuyến cáo.
Tái diễn tình trạng bán thuốc không toa
Từ tháng 4-2019, ngành y tế TPHCM chính thức thực hiện đề án Tăng cường kiểm soát kê toa thuốc và bán thuốc kê toa. Trong đó, tập trung kiểm tra việc kê toa và bán thuốc kháng sinh không toa. Tuy nhiên, đến nay việc người dân sử dụng toa thuốc cũ hoặc không cần trình toa thuốc để mua vẫn thường xuyên diễn ra ở bất cứ hiệu thuốc nào.
Trong vai phụ huynh có con ốm, phóng viên đã đến một tiệm thuốc trên đường Thống Nhất (quận Gò Vấp). Tại đây, người bán chỉ hỏi khách hàng về triệu chứng bệnh mà không hỏi về việc đã đi khám bệnh và có toa thuốc không.
Chỉ hơn 10 phút, có 8 khách hàng khác đến mua thuốc và hầu hết đều kể triệu chứng để người bán thuốc bắt bệnh, bán thuốc. Thậm chí, cả những bệnh như đái tháo đường, đau bao tử, đau xương khớp, sốt siêu vi... cũng được bán thuốc mà không có toa.
Tại một cửa hàng dược phẩm trên đường Hai Bà Trưng (quận 1), khi phóng viên kể sơ qua tình trạng sức khỏe của mình bị sốt, viêm họng, ho có đờm đã 1 tuần.
Người bán thuốc không cần hỏi toa, nhanh chóng đưa ra mấy loại thuốc đặc trị hạ sốt, chống viêm và 3 vỉ kháng sinh, dù trên hộp thuốc có ghi dòng chữ cảnh báo: “Thuốc bán theo toa”.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Sử, Trưởng khoa Cấp cứu BV Nhân dân Gia Định, tỷ lệ bệnh nhân vào cấp cứu do tự mua thuốc chữa bệnh khá nhiều, mỗi năm có hàng chục ca. Nhiều ca bị biến chứng, rối loạn nội tiết, giảm sức đề kháng, thậm chí có trường hợp nhiễm trùng nặng, nguy hiểm đến tính mạng.