LIỆT DÂY THẦN KINH NGOẠI BIÊN SỐ 7 (NGUYÊN NHÂN- TRIỆU CHỨNG- CÁCH CHUẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ)
Nhằm mục đích nâng cao chất lượng chuyên môn và cập nhập kiến thức mới cho đội ngũ cán bộ y tế, đảm bảo chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho nhân dân trên địa bàn huyện. Chiều ngày 24/5 vừa qua tại hội trường trung tâm y tế Phong Thổ đã tổ chức buổi sinh hoạt hội đồng y khoa định kỳ tháng 5/2024 với chuyên đề ‘’ Liệt dây thần kinh ngoại biên số 7’’.
Đến dự với buổi sinh hoạt có Bác sĩ CKI Dương Văn Quân GĐ bệnh viện; BS nội trú Bệnh viên E Nguyễn Văn Hiếu, cùng các đồng chí trưởng, phó phụ trách khoa phòng, các bác sĩ điều trị, điều dưỡng các khoa phòng .
Theo bác sĩ Đông Y Đào Thị Hồng Thắm- phụ trách khoa Đông y thì liệt dây thần kinh số 7 hay còn gọi là liệt mặt ngoại biên, là tình trạng mất vận động hoàn toàn hay một phần các cơ của nửa mặt, do tổn thương dây thần kinh mặt. Bệnh gây ra triệu chứng méo miệng và liệt mặt; Bệnh không những ảnh hưởng thẩm mỹ, giao tiếp của bệnh nhân mà còn để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Vậy nguyên nhân, triệu chứng, cách chuẩn đoán và điều trị liệt dây thần kinh ngoại biên số 7 như thế nào?
- Nguyên nhân gây liệt dây thần kinh số 7
Dây thần kinh mặt có đường đi rất phức tạp từ thần kinh trung ương qua thái dương và tuyến mang tai rồi đến các cơ ở vùng mặt. Đây chính là lý do các tổn thương vận động của nửa mặt bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân: nguyên nhân từ thân não, ở dây thần kinh số 7, tuyến mang tai...
Nguyên nhân gây bệnh rất đa dạng:
- Do bị nhiễm lạnh đột ngột, trúng gió;
- Mắc các bệnh hô hấp trên như viêm tai - mũi - họng mà không được điều trị;
- Có bệnh lý ở nền sọ;
- U của hệ thần kinh trung ương;
- U dây thần kinh thính giác;
- Bị chấn thương ở xương chũm, vùng thái dương,...
- Bệnh huyết áp;
- Đái tháo đường;
- Xơ vữa động mạch…
- Đối tượng có nguy cơ cao với bệnh liệt dây thần kinh số 7
- Người mang thai;
- Người có hệ miễn dịch bị suy giảm và sức khỏe yếu;
- Hay uống rượu bia;
- Thường xuyên trải qua tình trạng căng thẳng, thức khuya;
- Người có tiền sử với bệnh xơ vữa động mạch, huyết áp;
- Những người hay phải đi sớm về khuya, làm việc ban đêm trong môi trường tiếp xúc với gió lạnh...
3. Chẩn đoán bị liệt dây thần kinh số 7 bằng cách nào?
Tình trạng liệt mặt ngoại biên do liệt dây thần kinh số 7
Với bệnh này, bác sĩ chẩn đoán chủ yếu dựa trên các dấu hiệu lâm sàng để chẩn đoán và xác định được vị trí tổn thương để có phương án điều trị thích hợp
Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh qua lâm sàng: Xác định tình trạng liệt mặt ngoại biên ở bệnh nhân nhờ các dấu hiệu đặc trưng của bệnh; mặt người bệnh không cân xứng, bị kéo lệch…; Các dấu hiệu khi nhắm chặt mi mắt, lông mi bên liệt dài hơn bên lành…
Một vài trường hợp khác là do các chấn thương vùng mặt, ở sọ vùng thái dương, viêm tai mũi họng,…
4.Liệt dây thần kinh số 7 có nguy hiểm không?
Bệnh liệt dây thần kinh số 7 có thể gây ra các di chứng :
- Viêm kết mạc, viêm giác mạc, loét giác mạc, lộn mí. Các biến chứng này có thể phòng tránh bằng nhỏ mắt bảo vệ, đeo kính, khâu sụn mí hoàn toàn hay một phần.
- Co thắt nửa mặt sau liệt mặt: Biến chứng này gặp ở các thể nặng do tổn thương dây thần kinh với phân bố lại thần kinh một phần.
- Đồng vận: Biểu hiện co cơ không tự chủ phối hợp với các hoạt động tự chủ như mép bị kéo khi nhắm mắt. Thất bại trong điều trị, phục hồi chức năng có thể giảm bớt khó chịu này.
- Hội chứng nước mắt cá sấu: Hiếm gặp, biểu hiện chảy nước mắt khi ăn.
5. Điều trị liệt dây thần kinh số 7 như thế nào?
Điều trị dây thần kinh số 7 bằng phương pháp châm cứu
(Hình ảnh mang tính chất minh họa)
Tùy vào thể trạng, tình trạng bệnh của bệnh nhân mà bác sĩ điều trị sẽ điều trị nội khoa, hoặc kết hợp ngoại khoa để mang lại hiệu quả nhanh chóng và toàn diện cho bệnh nhân. Vì vậy ngay khi có biểu hiện bị liệt dây thần kinh số 7 hoặc khi có nghi ngờ người dân cần đến cơ sở y tế ngay vì bệnh càng chữa sớm thì khả năng khỏi càng cao.
Bác sĩ Đông y Đào Thị Hồng Thắm cho biết. Hiện nay, điều trị bệnh theo y học cổ truyền mang lại hiệu quả rất cao cho người bệnh.
“Để điều trị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, bên cạnh những phương pháp điều trị bằng y học hiện đại như sử dụng nhóm thuốc Corticoid, vitamin B liều cao, tăng dẫn truyền thần kinh… người bệnh sẽ được trị liệu phối kết hợp bằng các phương pháp cấy chỉ, điện châm, cứu ngải, xoa bóp - bấm huyệt, thủy châm và uống thuốc sắc. Sau khi xác định tình trạng của bệnh nhân, bác sĩ sẽ dựa vào nguyên nhân gây bệnh và tình trạng bệnh để áp dụng các biện pháp phù hợp, bởi hầu hết các trường hợp liệt dây thần kinh số 7 ở giai đoạn đầu đều có thể chữa trị bằng vật lý trị liệu kết hợp với một số loại thuốc khác mà không cần can thiệp ngoại khoa”- BS Thắm chia sẻ.
Khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Để phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7, BS Thắm khuyến cáo, người dân cần duy trì thói quen vận động vừa sức, tập thể dục thể thao mỗi ngày giúp tăng cường lưu thông máu, chống sự co cứng cơ mặt và tránh ăn đồ cay nóng. Khi nằm ngủ tránh luồng gió của quạt, máy lạnh phả trực tiếp vào mặt hoặc sau gáy. Tránh những trường hợp bị sốc nhiệt như ngồi ở phòng lạnh, đột ngột bước ra ngoài trời nóng. Đóng kín cửa xe khi đi xe, đeo khẩu trang tránh gió tạt vào mặt. Kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và hỗ trợ điều trị sớm các bệnh dễ gây liệt dây thần kinh số 7 như: Cảm cúm, bệnh về tai mũi họng. Đặc biệt, khi có các dấu hiệu đau, tê giảm cảm giác một nửa bên mặt, người bệnh cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Nếu bị bệnh, phải tuân thủ điều trị, không tự ý ngưng điều trị.